top of page

Sinh viên tốt nghiệp ĐH khai phóng nghĩ gì? - Nhân sự

Tôi đến Đại học Mount Holyoke mùa thu 2008, không biết rằng đó là một trong những giai đoạn đẹp nhất đời. Tôi cũng không nghĩ quá nhiều về sự khác biệt giữa hệ thống giáo dục truyền thống và giáo dục khai phóng sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của tôi như thế nào. Thứ duy nhất giúp tôi chọn đi học chính là học bổng hào phóng trường tài trợ, cùng với những người phụ nữ tài năng, nhiệt huyết tôi gặp trong quá trình tuyển sinh. Khi nhìn lại, tôi thấy quyết định đi học ngày đó là một trong những quyết định sáng suốt nhất đời.

 

Làm nghề hay tạo sự nghiệp?


Tôi vẫn nhớ như in lời một Giáo sư từng nói:

Giáo dục khai phóng không đào tạo các em để làm một nghề nhất định, mà nó chuẩn bị các em cho con đường sự nghiệp riêng của mình.

Quả đúng là một sự nghiệp thành công cần hơn nhiều hơn kiến thức chuyên môn, những lý thuyết có thể lạc hậu tại thời điểm khi bạn vừa ra trường. Một sự nghiệp bay cao cần khả năng tư duy, phân tích, tổng hợp vấn đề và đưa ra giải pháp phù hợp. Tôi đã rất may mắn được thụ hưởng cách giáo dục đó từ trường đại học theo triết lý giáo dục khai phóng ấy.


Sau khi tốt nghiệp Ngôn ngữ Pháp và Quan hệ Quốc tế, tôi quay về Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành Marketing, rồi dấn thân sang Quản trị nguồn Nhân lực tại một Tập đoàn đa quốc gia chỉ sau một năm ngắn ngủi. Trong vòng 7 năm, tôi đã đi được những bước nhảy vọt trong sự nghiệp: ở tuổi 28, tôi trở thành một trong những Giám đốc Nhân sự trẻ nhất trên thị trường. Tất cả những tri thức và kỹ năng tư duy thời đại học đã giúp tôi vượt qua những thử thách từ công việc lẫn sự biến chuyển vạn hoá của thị trường qua thời gian. Tôi không tốt nghiệp chuyên ngành Nhân sự, nhưng tôi có thể nêu ra ba điều đã giúp tôi có được ngày hôm nay.



Óc phân tích & Tư duy phản biện


Đầu tiên về óc phân tích và tư duy phản biện. Thời đại học, mỗi lớp tôi học dù là Chính trị, Kinh tế, hay Tâm lý, đều yêu cầu kỹ năng nghiên cứu, tìm tòi chuyên sâu và phải phân tích vấn đề từ nhiều góc nhìn.


Giáo sư không bao giờ bảo chúng tôi phải làm gì, làm thế nào, mà chỉ gợi ý những quyển sách quan trọng, giúp tôi nhìn thấy lỗ hổng trong phân tích của mình. Các thầy cô tranh luận với tôi như một người đồng nghiệp thực thụ.


Tôi nhận ra rằng, kỹ năng này rất có giá trị khi làm việc tại các tập đoàn lớn. Nếu không thể biện luận cho ý kiến của mình bằng số liệu và phân tích thấu đáo, nếu không thể xem xét đa chiều các thử thách đến với mình, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy lạc lối trong những vấn đề phức tạp của tổ chức và trở nên vô hình trong mê cung chồng chéo của các tập đoàn lớn.





Kỹ năng kết nối đến từ việc tìm tòi nhiều lĩnh vực khác nhau


Thứ hai là kiến thức xã hội sâu rộng giúp tôi kết nối và tương giao. Vị CEO ở công ty thứ hai tôi làm có tấm bằng đại học chuyên ngành Lịch sử. Cuộc đối thoại đầu tiên giữa chúng tôi là về Chính trị Mỹ và sự chuyển biến của mối quan hệ Mỹ-Việt. Mặc dù chủ đề đó chẳng liên quan gì đến công việc, nhưng sếp đã xem tôi là một người trẻ có đam mê với khả năng giao tiếp sắc bén. Việc tạo lập được thương hiệu cá nhân trong các tập đoàn lớn là rất quan trọng để thăng tiến và đi xa hơn trong sự nghiệp.



Khả năng tự học là "vũ khí" để tồn tại và phát triển bền vững


Thứ ba, khả năng tiếp thu những kiến thức mới không ngừng nghỉ.


Lý do Giáo sư nói với chúng tôi rằng giáo dục khai phóng không đào tạo chúng tôi cho bất kỳ ngành nghề nào là vì công việc ngày hôm nay có thể sẽ không còn trên thị trường vào ngày mai nữa. Nếu trường đại học chỉ dạy kỹ năng chuyên môn, chính kỹ năng đó sẽ trở nên lạc hậu. Chỉ có khả năng tự học, thậm chí rũ bỏ những kiến thức cũ và học lại, thì mới có thể giúp các cá nhân tồn tại trong xã hội biến đổi khôn lường.


Chân lý đó rất đúng với sự nghiệp của tôi. Tôi còn nhớ sếp đã nhận xét về tôi trong buổi đánh giá chất lượng công việc của năm trước khi tôi được thăng chức:

Năng lực tự học của nhân viên này thật sự xuất sắc. Cô ấy sẽ tiến xa trong tổ chức.

Tôi chưa hề được đào tạo bài bản để trở thành Giám đốc Nhân sự. Nhưng khả năng tự học của tôi đã được trui rèn nhờ giáo dục khai phóng. Dạy tôi hỏi câu hỏi đúng, tìm tòi đúng kho tri thức và dữ liệu, tìm đường lèo lái giữa đại dương của những kiến thức mới. Những thứ ấy, tôi trui rèn suốt quãng đời đại học.


Đến hôm nay, khoảng thời gian 4 năm tại Mount Holyoke vẫn tiếp tục truyền cho tôi cảm hứng để hoàn thiện mình mỗi ngày. Tôi ước mình có thể quay lại khoảng thời gian tươi đẹp đó, nơi tôi luôn được truyền cảm hứng và khơi gợi tư duy. Tôi biết ơn những người thầy của mình, các bạn học đầy nhiệt huyết, những thử thách cũng như những cơ hội tôi đã va chạm. Tất cả, đã làm nên tôi của hôm nay.



Tác giả:

Võ Thị Minh An

Giám đốc Tuyển dụng Toàn quốc Techcombank

Nguyên Giám đốc nhân sự Hong Leong Bank Vietnam

Nguyên Trưởng bộ phận Tuyển dụng khu vực Đông Á của Tập đoàn British American Tobacco






*Đọc thêm:

2 views0 comments
bottom of page