5 Hoạt Động Xây Dựng Tinh Thần Hợp Tác
- IEG Foundation
- 11 minutes ago
- 3 min read

Theo dòng các chuỗi bài viết chủ đề Hợp tác (Collaboration) của tháng 7/2025, IEG Foundation xin gửi đến các thầy cô một số gợi ý về các hoạt động nhóm tại lớp học được chia sẻ từ bài viết của cô giáo Michelle Luck.
Trong đó hoạt động 1 - 3 là các hoạt động khá phổ biến tại các lớp học hiện nay, và hoạt động 4 - 5 khá thú vị, rất đáng để thầy cô thử áp dụng vào giờ học của mình đó ạ.
1. Bài tập nhóm hoặc các dự án lấy học sinh làm trung tâm
Bài tập nhóm là một cách tuyệt vời để học sinh học cách làm việc cùng nhau và hợp tác. Thầy cô hãy chia lớp thành các nhóm nhỏ từ ba đến bốn học sinh và giao cho mỗi nhóm một dự án cụ thể. Khuyến khích các em phân chia công việc và cùng nhau tạo ra một sản phẩm mà cả nhóm tự hào.
Hoạt động này giúp học sinh rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp hiệu quả và tôn trọng ý kiến của người khác. Nếu có thể, hãy thiết kế các dự án theo định hướng truy vấn (inquiry-based), nơi học sinh có quyền lựa chọn nội dung học tập!

(Thầy cô có thể tham khảo bài viết trước của IEG Foundation về cách giúp học sinh thực sự tham gia vào các hoạt động nhóm.)
2. Think–Pair–Share (Suy nghĩ – Bắt cặp – Chia sẻ)
Đây là một hoạt động đơn giản nhưng rất hiệu quả, có thể áp dụng cho mọi môn học. Đầu tiên, giáo viên đưa ra một câu hỏi và yêu cầu học sinh suy nghĩ cá nhân trong một đến hai phút. Sau đó, học sinh ghép cặp và chia sẻ suy nghĩ của mình. Cuối cùng, một vài cặp được mời chia sẻ ý tưởng tổng hợp với cả lớp.

Hoạt động này khuyến khích sự hợp tác, lắng nghe và học hỏi lẫn nhau. Có thể làm mới hoạt động này bằng nhiều biến thể thú vị để tăng tính hấp dẫn!
3. Chỉnh sửa bài của bạn bè và thuyết trình nhóm
Chỉnh sửa bài viết cho nhau là một cách tuyệt vời để học sinh rèn luyện kỹ năng viết và kỹ năng phản hồi mang tính xây dựng. Sau khi hoàn thành bài viết, học sinh sẽ làm việc theo cặp, đổi bài cho nhau và đọc – nhận xét.

Hoạt động này giúp các em học cách đóng góp ý kiến một cách có ích và tiếp nhận phản hồi tích cực để cải thiện bài viết.
Cách làm này có thể áp dụng cả với những bài ngắn, ví dụ: Viết một câu chủ đề (thesis statement) về bài học hôm nay, rồi cùng nhóm chỉnh sửa cho nhau.
4. Hoạt động “Jigsaw” và nhóm phản hồi
Các mảnh ghép (Jigsaw) là một chiến lược học tập hợp tác có thể áp dụng cho bất kỳ môn học nào.

Các thầy cô có thể chia lớp thành các nhóm nhỏ và giao cho mỗi nhóm một chủ đề nhỏ để nghiên cứu. Sau đó, thầy cô sẽ trộn các nhóm lại sao cho mỗi nhóm mới có đại diện của mỗi chủ đề ban đầu. Học sinh chia sẻ lại những gì mình đã học và cùng nhau tạo ra một bài trình bày hoặc bản tóm tắt tổng hợp.
Hoạt động này thúc đẩy sự hợp tác, phân chia trách nhiệm và trao đổi kiến thức giữa học sinh.
5. Triển lãm lớp học và các hoạt động cần đến "Tờ giấy lớn"
Gallery walk hay "triển lãm lớp học" là cách tuyệt vời để kết hợp vận động và học nhóm. Thầy cô hãy treo các tờ giấy lớn hoặc áp phích quanh lớp, mỗi tờ là một câu hỏi hoặc chủ đề khác nhau. Sau đó, thầy cô chia lớp thành các nhóm nhỏ, để các em di chuyển xung quanh lớp, dừng lại thảo luận ở từng điểm và ghi lại ý tưởng của nhóm lên giấy ghi chú hoặc thẻ nhỏ rồi dán lên áp phích.

Hoạt động này không chỉ giúp học sinh chia sẻ quan điểm mà còn khuyến khích học tập tích cực qua sự tương tác.
댓글