top of page

Sinh viên tốt nghiệp ĐH khai phóng nghĩ gì? - Kinh tế


Bố mẹ tôi ngày xưa mang một nỗi sợ vô hình với nền giáo dục khai phóng. Lần đầu tiên tôi chia sẻ về lựa chọn học Kinh tế học của mình, bố mẹ lo lắng hỏi về cơ hội nghề nghiệp tương lai với vẻ mặt lộ hẳn vẻ lo âu, có phần nào hoảng loạn ngang với việc tôi chọn bỏ học. Tôi cũng không có một câu trả lời rõ ràng cho bố mẹ, chỉ biết mình mê mệt tính logic, chút toán và cách giải quyết vấn đề của các nhà kinh tế học. Dẫu vậy, ánh mắt chất chứa lo âu đó vẫn đẩy tôi vào trạng thái hoang mang về lựa chọn của mình.

Tốt nghiệp, đi làm, rồi kinh qua những vị trí cao hơn, tôi càng có nhận thức rõ hơn về những kỹ năng, những quan niệm những nhân viên mới cần phải có. Kiến thức chuyên ngành, dù có giá trị tham khảo, không nằm trong những yêu cầu này. Có thể tôi hơi cực đoan, nhưng tôi cho rằng các kỹ năng quan trọng cho công việc của thế kỷ 21 như phân tích số liệu, làm báo cáo, v.v. đều có thể đào tạo trong giai đoạn học việc ban đầu. Cái mà tôi mong muốn thấy ở các bạn sinh viên mới ra trường, hay ở chính mình ngày trước, là mong muốn tiếp thu kiến thức mới, sự chịu khó cũng như khả năng điều chỉnh theo yêu cầu công việc.


 

"Kiến thức chuyên ngành không phải là thứ hữu ích nhất mà bạn thu thập được từ Đại học"


Giả dụ có 2 hồ sơ:

  1. Tốt nghiệp với tấm bằng Tài chính ở một trường top nhưng mô tả công việc và kinh nghiệm một cách hời hợt

  2. Tốt nghiệp ngành Nhân văn nhưng có kinh nghiệm làm việc hoặc thể hiện sự hiểu biết và có đầu tư tìm hiểu về công ty


Tôi sẽ cho cả 2 cơ hội, nhưng ưu tiên người thứ hai. Tôi tin rằng người thứ hai đã giành được cơ hội chứng tỏ mình bằng hành động, và không thể loại một người chỉ vì họ đã ‘trót’ chọn một ngành nghề nào đó nhiều năm trước. Bằng chứng: Giám đốc điều hành công ty tôi ở Việt Nam tốt nghiệp đại học chuyên ngành Cổ điển học, Văn học và Ngôn ngữ học.

 

Hiểu bản thân để định hướng tương lai - Kỹ năng giao tiếp viết & quản lý công việc



Nói vậy không có nghĩa là thời gian học đại học là vô giá trị. Đối với tôi, nó luôn là khoảng thời gian vô cùng quý giá để tìm hiểu bản thân và định hướng về tương lai, hoặc ít nhất là loại ra những lĩnh vực không phù hợp với mình. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng kiến thức chuyên ngành không phải là thứ hữu ích nhất mà bạn thu thập được từ Đại học. Ít nhất, đối với tôi, các kiến thức cơ bản của Kinh tế học như cung cầu hay lạm phát thì vẫn còn sử dụng được trong công việc hằng ngày, nhưng những kiến thức chuyên sâu về các mô hình tăng trưởng v.v. thì đã không còn như trước. Bộ não con người có một bộ lọc rất hay để ta tiếp thu kiến thức mới - và một phần trong số đó là việc quên đi hoặc sắp xếp lại kiến thức cũ không còn sử dụng.

Công cụ hữu hiệu nhất mà nền giáo dục khai phóng mang lại có lẽ đó chính là kỹ năng viết luận. Khi nói đến kỹ năng giao tiếp, người ta thường chỉ nghĩ đến phần "nói" mà quên rằng khả năng trình bày ý tưởng trên giấy hay trong email là một kỹ năng cần thiết nhất ở những nhân viên bắt đầu đi làm. Nếu ý tưởng được truyền tải đầy đủ, thuyết phục và ngắn gọn, thì đó đã là một nửa của thành công.




Ngoài kỹ năng viết, việc lên ý tưởng và sắp xếp rồi thực hiện kế hoạch làm việc một cách kỷ luật để nộp được bài viết đúng hạn cũng vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, kỹ năng và tư duy phản biện cũng được rèn giũa khi ta suy nghĩ, đặt ra các luận cứ và tự phân tích các luận cứ đó để chúng sắc bén hơn. Thật sự là không có một khóa huấn luyện về mặt lập luận và giao tiếp nào tốt hơn việc phải viết luận những ngày đại học.


 

"Dạo chơi" giữa các ý tưởng và cảm thụ vẻ đẹp cuộc sống

Sự rộng mở và tự do về giáo dục trong môi trường giáo dục khai phóng cũng mang đến những lợi ích khó có thể quy đổi một cách chính xác. Đơn cử chính là việc các trường giáo dục khai phóng rất ủng hộ cho việc trau dồi kiến thức chéo ở các bộ môn không phải chuyên ngành. Một trong những mục tiêu của nền giáo dục khai phóng là tối đa hóa sự va chạm tiếp xúc thảo luận của con người với cuộc sống, quan niệm và định hướng học tập khác nhau để tạo ra những sự đột phá, những khoảnh khắc “eureka”.





Một trong những người bạn thân nhất của tôi ở đại học có chuyên ngành Vật Lý, nhưng cậu ta cũng là một tay chơi sáo rất cừ trong dàn nhạc giao hưởng của trường và có niềm đam mê lớn lao về nghệ thuật hiện đại. Nếu không có cậu thì tôi có thể sẽ không bao giờ quan tâm và cảm nhận được ý nghĩa và cái đẹp của những bức tranh hiện đại mà tôi có dịp thăm ở những các bảo tàng trên thế giới. Sự đồng cảm được về cái đẹp, kỹ thuật, và yếu tố lịch sử của các bức tranh mang đến một cảm giác sung sướng nhất định. Liệu nó có mang đến lợi ích gì ngay bây giờ? Có thể chưa. Tuy nhiên, nếu một ngày nào đó nếu sự đồng cảm về nghệ thuật mang đến cho tôi một cơ hội hay thỏa thuận hợp tác gì đấy, tôi chắc sẽ không mấy ngạc nhiên.





Tác giả:

Nguyễn Hoàng Nam

Chuyên viên tư vấn

Boston Consulting Group

New York University Abu Dhabi (niên khoá 2011-2015)









*Đọc thêm:

1 view0 comments
bottom of page