top of page

Giáo dục khai phóng dành cho người Việt Nam

Bài viết này được gửi đến quý độc giả bởi trường Đại học Fulbright Việt Nam



 


Lời giải tối ưu cho đề bài 10 năm: “Hãy xây dựng một trường đại học khai phóng ở Việt Nam và dành cho người Việt Nam.”


Hãy tưởng tượng nếu bạn được trao một cơ hội tuyệt vời để xây dựng một trường đại học từ đầu ở Việt Nam, lựa chọn nào là tối ưu?


Đó là câu chuyện của Đại học Fulbright Việt Nam, một dự án mất hơn 10 năm để thực hiện. Ý tưởng ban đầu được định hình là Đại học Fulbright, với sự hỗ trợ tài chính của Mỹ, sẽ là một trường đại học tư thục độc lập, hoạt động không vì lợi nhuận, lấy cảm hứng từ nền giáo dục khai phóng kiểu Mỹ, nhưng đặt ở Việt Nam và dành cho người Việt Nam.



Chọn con đường ít người đi


Chúng tôi có hai lựa chọn. Lựa chọn đầu tiên là tham khảo những mô hình giáo dục đã thành công trên thế giới, đem về Việt Nam và bắt chước y hệt.


Nhưng ngay cả những mô hình giáo dục đã rất thành công cũng đang đứng trước những thách thức sống còn trong kỷ nguyên công nghệ hiện nay. Mô hình giáo dục khai phóng truyền thống của Hoa Kỳ bị hoài nghi về tính thực tiễn và hiệu quả, trong khi mô hình giáo dục hướng nghiệp bị chỉ trích là thiển cận và nông cạn.

Trong khi đó, thế giới đang chứng kiến những thay đổi với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn những gì đã xảy ra trong suốt 200 năm qua.

Vậy, chúng tôi có nên lãng phí một cơ hội xây dựng một trường đại học mới bằng cách rập khuôn một mô hình cũ? Để trả lời câu hỏi đó, Fulbright quyết định dấn thân vào một con đường ít người dám đi.

Chúng tôi tham vọng đổi mới cách tiếp cận giáo dục và định nghĩa lại đại học để trường đại học có thể thích ứng với những thay đổi đang diễn ra hiện nay và trong nhiều năm tới.

Nhưng, để định nghĩa lại đại học, Fulbright đứng trước một loạt những đường hướng và lựa chọn. Lựa chọn thường thấy là mời những chuyên gia về giáo dục, cùng ngồi làm việc với nhau và sau một thời gian, họ sẽ đưa ra một chương trình giáo dục hoàn hảo cho sinh viên Việt Nam.


Một lần nữa, chúng tôi lùi lại và tự hỏi: Đây có phải là hướng đi đúng? Ngày nay, thật dễ dàng để tiếp cận với tri thức nhưng cách sinh viên học tập không còn giống như 10 năm trước.


Do đó, chúng tôi quyết định tiếp cận theo một hướng khác biệt. Chúng tôi quyết định tập hợp các giáo sư và sinh viên lại với nhau để cùng tạo ra một năm học gọi là Năm Đồng Kiến tạo.

Trong năm học này, các giáo sư và sinh viên cùng làm việc để hoàn thiện hành trình trải nghiệm bốn năm tại trường đại học, bao gồm việc học tập trên giảng đường, học tập qua trải nghiệm thực tế, cuộc sống nội trú, quản lý sinh viên….


Chúng tôi hy vọng rằng bằng cách đồng kiến tạo những trải nghiệm này, sinh viên sẽ thật sự làm chủ hành trình giáo dục của họ và điều đó cũng sẽ giúp họ chuyển từ lối học truyền thống sang cách học chủ động, thiên về phân tích và giải quyết vấn đề.  


Đồng kiến tạo là năm chứng kiến sự giao thoa giữa sự dẫn dắt của giảng viên và sự sáng tạo của sinh viên FUV.
 

Kiểm nghiệm những giả định


Tôi muốn chia sẻ với các bạn một số câu chuyện đã diễn ra trong năm học đồng kiến tạo và lý do vì sao Fulbright tin rằng đây là cách tốt nhất để xây dựng một nền giáo dục phù hợp với thực tế tại thời điểm hiện tại và tương lai gần.


54 sinh viên và 16 giảng viên đã cùng nhau làm việc trong suốt một năm học vừa qua. Họ đã kiểm nghiệm và muốn thách thức rất nhiều giả định về giáo dục từng được chấp nhận rộng rãi trên thế giới cũng như các giả định về sinh viên Việt Nam.


Giả định 1: sự phân định rạch ròi giữa giáo dục khai phóng và kỹ thuật.


Ai cũng cho rằng kỹ thuật thì khô khan và phải nhất nhất theo một khuôn mẫu, một quy chuẩn có sẵn.


Trong lớp học Engineering for Humanity (Tạm dịch: Kỹ thuật vị Nhân sinh), một nhóm sinh viên được hai giáo sư hướng dẫn làm quen với một công cụ trợ giúp tư duy theo lối sáng tạo “Design Thinking”. Sau đó, họ được yêu cầu làm việc với hai tình nguyện viên là những người cao tuổi hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ lớn của mỗi nhóm là làm ra một sản phẩm để giúp ích cho cuộc sống của hai ông bà. Bằng cách đó, các em được trải nghiệm đầy đủ từng bước trong tiến trình thiết kế một sản phẩm.

Để có thể đi đến một ý tưởng khả thi, các sinh viên đã phải học cách quan sát và tìm hiểu về những đặc điểm của người dùng, mà trong trường hợp này là hai tình nguyện viên. Họ đã nói chuyện rất nhiều với hai ông bà để hiểu thêm về cuộc sống, về gia đình, công việc.


Khi nói về thế hệ Millennial (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000), nhiều người luôn tin rằng họ suốt ngày dán mắt vào iPad, iPhone, thậm chí họ còn không nói chuyện với bố mẹ trong bữa tối.

Nhưng giờ họ phải ra ngoài và cố tìm câu trả lời từ một người giống như ông bà của họ. Họ làm điều đó như thế nào? Vâng, đó chính là bài tập!


Từ những quan sát và hiểu biết về người dùng, hai nhóm lên ý tưởng để trả lời cho câu hỏi ”Điều gì là quan trọng trong cuộc sống của những người này?”. Một danh sách dài những ý tưởng được đưa ra và sau khi tham khảo ý kiến của hai ông bà, các sinh viên đã bắt tay vào thực hiện sản phẩm khả thi và hữu ích nhất. Họ học cách thử và nhận phản hồi thường xuyên để có thể liên tục sửa chữa những điểm yếu của sản phẩm.







Học các ngành kỹ thuật không nhất thiết phải khô khan.


Sau hai tuần, hai nhóm tự hào giới thiệu các sản phẩm mà họ đã thiết kế đặc biệt cho những người này. Tôi phải nói rằng tôi chưa bao giờ được chứng kiến ​​một sợi dây kết nối đầy mạnh mẽ và tình cảm giữa các sinh viên và những người cao tuổi như vậy.


Như vậy là một giả định đã bị thách thức. Nếu bạn muốn trở thành một kỹ sư giỏi, bạn cần nhiều kỹ năng hơn là chỉ những kỹ năng về kỹ thuật, đơn cử:

  • kỹ năng giao tiếp – để mọi người sẵn sàng bộc lộ bản thân với bạn.

  • sự thấu cảm – để kết nối với những người sẽ sử dụng sản phẩm của mình. Nếu không có điều đó, sản phẩm bạn làm ra có lẽ sẽ không bao giờ bán được. Và đấy chính là lý do vì sao mà một cử nhân kỹ thuật cần có nền tảng giáo dục khai phóng.


Những gì diễn ra trong lớp học này cũng khẳng định hướng đi của Fulbright:

tìm cách dung hợp và xóa nhòa ranh giới giữa giáo dục khai phóng và khoa học kĩ thuật.

 

Chấp nhận bước ra khỏi vùng an toàn


Câu chuyện thứ hai tôi muốn chia sẻ là những gì đã diễn ra trong lớp học Rhetoric (Hùng biện), một môn truyền thống ở hầu hết các đại học khai phóng nhưng là một môn tương đối mới ở Việt Nam.


Vì thế, chúng tôi đưa cho sinh viên hai lựa chọn. Một là vay mượn giáo trình từ nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ học thử rồi các em cho ý kiến phản hồi. Hai là: các em sẽ cùng với giảng viên xây dựng môn học này hoàn toàn từ một trang giấy trắng.


Ban đầu các bạn chọn cách dễ: vay mượn giáo trình học từ nước ngoài. Nhưng sau hai ngày, các em đến gặp các giáo sư trãi lòng: “Biện luận ở phương Tây không giống với ở Việt Nam. Cách chúng em lập luận bằng tiếng Việt không giống như cách các thầy cô. Chúng em không tin rằng giáo trình này phù hợp với mình. Chúng ta hãy làm lại một giáo trình mới hoàn toàn.


Các em chấp nhận bước ra khỏi vùng an toàn lâu nay và dấn thân vào một thử thách lớn đến mức đôi khi chúng tôi nghĩ các em không thể vượt qua. Bạn có thể hình dung tất cả những thái cực cảm xúc mà các em sinh viên đã trải qua trong suốt thời gian xây dựng môn học này. Hôm nay, họ vô cùng phấn khởi như “tìm ra châu Mỹ”. Hôm sau, họ thất vọng tột cùng vì bế tắc.


Nhưng sau một tháng, dưới sự hướng dẫn từ các giảng viên, họ đã cùng nhau xây dựng một giáo trình hoàn chỉnh cho khóa học Rhetoric này.


Ta có thể ở mãi trong vùng an toàn. Vậy vùng trời ngoài kia để ai khám phá?

Khi tôi giới thiệu chương trình học này với nhiều đồng nghiệp ở Mỹ, họ không giấu nổi sự kinh ngạc. Họ không thể tin rằng chỉ trong vòng một tháng, các sinh viên có thể tạo ra một khóa học hoàn chỉnh, phản ánh được sự khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới.


Vậy là giả định thứ hai: "sinh viên Việt Nam là những người học thụ động" đã bị thách thức. Câu chuyện trên đây chứng minh rằng nếu được đặt vào một môi trường phù hợp, với sự khích lệ từ thầy cô, sinh viên Việt hoàn toàn có thể chủ động và hết mình với những trải nghiệm giáo dục của chính bản thân họ.


 

Dám nghĩ khác và làm khác – Khi được làm chủ trải nghiệm học tập, các sinh viên sẽ tự khai phá rất nhiều tiềm lực của bản thân.


Tất cả các ví dụ tôi vừa đưa ra giúp chúng ta nhìn lại và suy nghĩ về việc chúng ta nên làm. Tôi tin chúng ta nên trao cho sinh viên cơ hội để họ làm chủ những trải nghiệm của chính mình, cơ hội hoán đổi vị thế với các giáo sư để họ trải nghiệm được những góc nhìn khác nhau. Về cơ bản, điều đó sẽ giúp chúng tôi đưa ra ý tưởng về một trường đại học mới và những trải nghiệm giáo dục mới.


Lâu nay, các trường đại học thường được xem như những “tháp ngà” học thuật, một thế giới tương đối khép kín và bảo thủ. Đấy là lý do chúng ta không nhận thấy nhiều thay đổi trong cách trường đại học cấu trúc và tiến hành các hoạt động giảng dạy và học tập.


Hãy thử thay đổi góc nhìn, để biết vùng trời của ta rộng tới đâu.

Bởi vậy, hãy thử tưởng tượng, nếu chúng ta có thể đem đến những thay đổi mang tính sáng tạo vào một nơi nổi tiếng về độ bảo thủ của nó như trường đại học, thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều tương tự với nhiều lĩnh vực khác trong xã hội, chỉ bằng cách dám nghĩ khác đi một chút, vượt qua các giới hạn một chút và nỗ lực định hình lại thế giới theo một cách tốt đẹp hơn.


 

Kết:


  • Cách học chủ đạo của giáo dục khai phóng không chỉ khả thi với các nhóm ngành kỹ thuật, mà còn trang bị được cho sinh viên rất nhiều kỹ năng mềm quan trọng.

  • Nhập khẩu phương pháp dạy học tối ưu từ một nước khác chưa hẳn đã là một lựa chọn tối ưu cho các sinh viên ở nước sở tại.

  • Sinh viên Việt Nam thực ra vô cùng sáng tạo và chủ động, chỉ cần được trao cho quyền làm chủ việc học của mình. Giáo dục khai phóng giúp tối ưu hóa các cơ hội đấy cho các em.



Tác giả:

Đàm Bích Thủy

Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam

5 views0 comments
bottom of page