top of page

Học chủ động (Active learning) (2) - Hoạt động dạy học & công cụ trực tuyến


Học chủ động (active learning) là một trong 03 chủ điểm chính của PEN (Pioneering Educators Network) 2019 được dẫn dắt bởi TS. Ryan Derby-Talbot và TS. Samhitha Raj – Đại học Fulbright Việt Nam. Tìm hiểu thêm về PEN 2019

Bài viết này tập trung vào một số hoạt động dạy học và một số công cụ trực tuyến có thể bổ trợ cho việc hướng dẫn học sinh học chủ động hơn, bao gồm cả việc học online. Góc tiếp cận của bài này dựa trên khung lý thuyết về thuyết kiến tạo (social constructivism) (xem thêm tại bài Học chủ động (Active learning) (1) - Khung lý thuyết nền).

 

2) ỨNG DỤNG - HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC & CÔNG CỤ


  • Có những cách nào để thực hành dạy học chủ động?

  • Đối với môi trường học trực tuyến, giáo viên có thể cân nhắc những phương pháp dạy học khuyến khích học chủ động nào?


Rất nhiều phương pháp thực hành dạy học chủ động đã được tổng hợp bởi Giáo sư Ryan (Đại học FUV) từ mùa PEN 2019 - ví dụ: phương pháp POGIL (Process Oriented Guided Inquiry Learning) [8].


Bên cạnh đấy, các nền tảng/công cụ dạy học trực tuyến (như Zoom, Google Team, Microsoft Teams, Blackboard, Moodle, Edpuzzle, FuelEd,…) đã và đang được triển khai trên diện rộng.


Tùy vào mục tiêu bài học, tính chất bài học, khả năng trong lớp của học sinh mà việc kết hợp các hoạt động dạy học chủ động và các công cụ/nền tảng dạy học trở nên hữu dụng cho giáo viên rất nhiều - ngay cả khi chỉ kết hợp công cụ vào lớp học truyền thống, hay khi dạy học tương tác trực tuyến (điển hình là việc dạy học trực tuyến như một cách ứng phó với dịch bệnh Covid-19 năm 2020).


Riêng với việc dạy học trực tuyến, một số thử thách rất nhiều thầy cô gặp phải bao gồm: học trò không duy trì được sự tập trung, học sinh chỉ cần chụp màn hình là có ngay “kiến thức”, khó giữ được nhịp độ bài giảng do cả thầy và trò cần thời gian để làm quen với môi trường dạy-học online,... Chính vì vậy, câu hỏi tiếp theo cần đặt ra là:


Khi bước chân vào môi trường trực tuyến, giáo viên có thể làm gì để duy trì việc học chủ động cho học sinh?

Dưới đây là một số gợi ý tham khảo dựa trên các đặc điểm trọng yếu của tinh thần học chủ động như đã nêu trong khung lý thuyết nền, bài Học chủ động (Active learning) - 01.



Học chủ động yêu cầu học sinh trao đổi và làm việc cùng nhau để xây dựng kiến thức.


Ý này bao gồm việc kích hoạt kiến thức nền (activate prior knowledge), chất vấn kiến thức có sẵn (challenge prior knowledge), và so sánh, đối chiếu với kiến thức truyền đạt từ thầy cô và ý hiểu của bạn cùng lớp để phát triển hiểu biết cho riêng mình [9]. Điều này hoàn toàn tương thích với khung lý luận kiến tạo (social constructivism) được nhắc đến trong bài 01.


Để hỗ trợ quá trình học tập tương tác này, ta có thể cân nhắc một số hoạt động dạy học sau:


  • Tranh luận nhanh theo nhóm/giữa các nhóm với nhau (debate)

  • Vẽ bản đồ tư duy theo nhóm (mini-maps, concept map) và sau đó, các nhóm bổ sung ý tưởng/đặt câu hỏi cho bản đồ của nhóm bạn (peer review)


Các nền tảng như Google Classroom có hỗ trợ tính năng chat trao đổi theo nhóm, giúp thầy cô chia học sinh ra thành các nhóm theo “không gian riêng”, và giáo viên hoàn toàn có thể tham gia theo dõi việc trao đổi của từng nhóm.


 

Học chủ động để đào sâu kiến thức, thay vì thụ động nghe – chép – nhớ kiến thức từ thầy cô.


Ý này liên hệ sát sao đến Thang Cấp độ Tư duy của Bloom (Bloom’s Taxonomy), có thể được hiểu ngắn gọn là:

Tư duy được phát triển có thể thuộc nhóm tư duy cấp thấp – trung bình (lower-order thinking skills) bao gồm biết – hiểu – vận dụng, hoặc tư duy cấp cao (higher-order thinking skills), bao gồm phân tích – tổng hợp – đánh giá.

Trong đó, các cấp tư duy bậc cao đòi hỏi người học phải liên hệ được kiến thức với thực tế. Lưu ý tránh hiểu lầm: tư duy cấp cao không nhất thiết quan trọng hay "cao cấp" hơn nhóm còn lại, việc phân loại này chỉ để phản ánh độ phức tạp trong quá trình vận động tư duy (đọc thêm về Bloom’s Taxonomy: [10], [11]; nguồn tiếng Việt: [12]).


Một số hoạt động dạy học có thể cân nhắc:


  • Giải quyết vấn đề (problem solving) dựa trên hiện tượng/sự kiện có thật trong cuộc sống

  • Đóng vai (role playing) dựa trên một tình huống trực tiếp liên quan đến bài học, và viết tự do (freewriting) để nêu quan điểm về sự việc dựa trên góc nhìn của nhân vật mà học sinh đang đóng vai.

  • Đọc một bài báo ngắn (được cắt lửng) về một sự kiện liên quan đến bài học và dự đoán những gì sẽ diễn ra tiếp theo dựa trên bài học và kinh nghiệm thực tiễn (prediction)


 

KẾT


Học chủ động về bản chất là một quá trình học đề cao sự tự chủ kiến thức của học sinh. Chính vì vậy, việc học trực tuyến dù có nhiều trở ngại và thách thức nhất định nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể hướng các con duy trì khả năng học chủ động của mình.


IEG Foundation gợi ý 03 câu hỏi khi thầy cô cân nhắc lựa chọn hoạt động trong lớp cho học sinh như sau:


  • Ta muốn các con làm/hiểu được gì trong phần kiến thức này?

  • Ta đang chọn hoạt động dạy học nào để phục vụ mục tiêu đấy? Trong môi trường và đặc thù lớp học sắp tới có những khó khăn nào có thể xảy ra và khiến cho phương pháp ta chọn có thể không hiệu quả như mong muốn? Ta có thể khắc phục ra sao?

  • Đánh giá hiệu quả: Hoạt động đấy giúp ta đạt được mục tiêu trong mục 1 như thế nào?



CÂU HỎI THẢO LUẬN/GÓC CHIA SẺ:

Quý Độc giả có những kinh nghiệm thực tiễn dạy học chủ động nói chung và trên môi trường trực tuyến nói riêng nào?


 

Nguồn bài viết


[8] Tài liệu hội thảo PEN 2019 - Chuyên đề “Các hoạt động học chủ động” ngày 30/11/2019

[10] Bloom, B. S.; Engelhart, M. D.; Furst, E. J.; Hill, W. H.; Krathwohl, D. R. (1956). Taxonomy of educational objectives: The classification of educational goals. Handbook I: Cognitive domain. New York: David McKay Company.

[11] Anderson LW, Krathwohl DR. A taxonomy for learning, teaching, and assessing: a revision of Bloom’s taxonomy of educational objectives. New YorkNY: Longmans; 2001.


2 views0 comments
bottom of page