top of page

Cơ hội nghề nghiệp nào cho sinh viên đại học khai phóng?


Con đường nghề nghiệp sau khi ra trường chính là yếu tố gây nhiều bàn cãi nhất đối với quá trình chọn học đại học khai phóng.


Tuy vậy, bài viết Câu chuyện sau ra trường - Giáo dục khai phóng đã đề cập top 15 ngành cử nhân đại học khai phóng tham gia làm việc không hề khác xa so với cử nhân từ các nhóm ngành đào tạo nghề đặc trưng (nguồn: AACU).

Để khái quát hơn về cơ hội nghề nghiệp dành cho các sinh viên đại học khai phóng, chúng ta nên đi thêm một bước xa hơn là chỉ liệt kê những cái tên nghề nghiệp: nhận biết 02 khuynh hướng dịch chuyển giữa trong các nghề hiện có trong xã hội.


 

Job hybridization - các mảng nghề đan xen vào nhau

Xã hội hiện đại đang lồng ghép các mảng nghề lại với nhau (job hybridization). Nhu cầu này sinh ra từ thực tế rằng xã hội hiện nay đang sản sinh ra những ngành nghề dịch vụ mới mà trước đây - chỉ 1 thập kỷ thôi - không hề tồn tại, với một nhận thức rằng: giờ đây, một người, một công ty sẽ khó mà tồn tại được nếu chỉ gói gọn hiểu biết trong 01 vùng kiến thức chuyên ngành riêng lẻ.


Ví dụ, một người làm phân tích nghiên cứu thị trường sẽ cần biết kiến thức về marketing, đồng thời cũng đòi hỏi khả năng nghiên cứu và phân tích - hai mảng vốn trước đây không liên quan đến nhau.


Nhiều mảng nghề đang dần được lồng ghép vào nhau.

Nhiều đại học lớn bám theo thị trường và cung cấp các khoá học cấp tốc bổ trợ các kỹ năng mềm/kiến thức “bổ túc”, nhưng hầu hết các đại học khác đều không phản ứng kịp với tốc độ thay đổi của thị trường. Do đó, sinh viên đại học khai phóng - vốn được chuẩn bị sẵn cho những điều không hề chắc chắn, được làm quen với việc chuẩn bị đối phó trong các tình huống mơ hồ, đòi hỏi làm nhiều việc cùng lúc - chắc chắn sẽ có lợi thế hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa theo học các khoá chuyên ngành cụ thể.


*Đọc thêm bài viết chuyên sâu về các kỹ năng sinh viên đại học khai phóng được chú trọng rèn luyện: Đại học khai phóng là gì? Học gì ở đấy?

 

Công nghệ thông tin trong việc làm không còn là tương lai, mà là hiện tại.


Sự phát triển của công nghệ số mang lại muôn vàn điều mới mẻ. Nó không chỉ xuất hiện trong các công sở mà dần dần cũng được các bạn sinh viên trẻ, là công dân của thế kỷ số, đón nhận hết sức tự nhiên.


Nhiều bạn sinh viên Kiến Trúc, Mỹ Thuật ngày nay được học trên những nền tảng công nghệ không khác gì sinh viên Thiết Kế. Họ được thao tác trên nền AutoCAD, ứng dụng Adobe và có thể sử dụng những công cụ này hết sức thành thạo.


Bên cạnh đó, các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ, thay vì phát triển riêng lẻ thì lại đang bắt đầu kết nối và hợp tác với nhau, từ đó tạo nên những nền tảng chung trong công nghệ mới. Một ví dụ cụ thể là việc sử dụng ứng dụng của Adobe: người dùng vẫn có thể thao tác và chỉnh sửa file vốn được tạo thành từ các ứng dụng khác nhau như AutoDesk hay Civil3D.


CNTT đang dần trở thành "ngôn ngữ sống" trong cả đời sống lẫn công việc.

Giờ đây, bối cảnh công nghệ thông tin (CNTT) chiếm lĩnh dần hầu hết các ngành công nghiệp không còn là câu chuyện của những nước phương Tây, mà đã là thực tại của khối Đông Nam Á - bao gồm cả Việt Nam.


Trong thời cuộc này, việc được trang bị kỹ năng sử dụng CNTTtự mày mò nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau giúp cho các sinh viên đại học khai phóng không chỉ thừa hưởng và sớm tiếp xúc với sự tiên tiến của CNTT, mà còn trui rèn được tác phong chủ động khả năng linh hoạt khi ứng dụng CNTT vào cả những công việc khác lạ có thể phát sinh trong tương lai.

Nếu đại học khai phóng tập trung vào những yếu tố trên vào quá trình phát triển chương trình học, đồng thời bắt tay với khối doanh nghiệp, thì việc sinh viên đại học khai phóng có nhiều ưu thế nghề nghiệp sau khi ra trường hơn so với sinh viên các đại học khác sẽ không còn là câu chuyện xa vời.



 

Kết:


  • Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học khai phóng hoàn toàn có nhiều lựa chọn việc làm.

  • Với kỹ năng tự học hỏi giữa những điều mới mẻ luôn được trui rèn từ đại học khai phóng, các sinh viên tốt nghiệp các đại học này có đầy đủ các thế mạnh cần có cho thị trường việc làm đang có xu hướng lồng ghép các mảng nghề và yêu cầu chủ động linh hoạt trong ứng dụng kỹ năng CNTT.


1 view0 comments
bottom of page