top of page

Bạn có hiểu lầm về giáo dục khai phóng tại Việt Nam?

Bài viết này được gửi đến quý độc giả bởi


Đại học Fulbright Việt Nam (FUV)



*Sơ lược về Giáo dục khai phóng ở bậc đại học: Mô hình giáo dục yêu cầu sinh viên tìm hiểu nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau trước khi định hướng chuyên môn hoá.



Những hiểu lầm về giáo dục khai phóng


Năm 2018, một ứng viên xuất sắc của Đại học Fulbright gọi cho văn phòng tuyển sinh. Ở đầu dây bên kia là tiếng em nghẹn ngào. Bao nhiêu háo hức chuẩn bị cho bước ngoặt mới này lại bị dội một gáo nước lạnh. Em kể rằng mẹ em không ủng hộ em vào Fulbright. Em rưng rưng thuật: “Giáo dục khai phóng gì? Bốn năm chuyên ngành ra trường còn chẳng ăn thua nữa là học chung chung thế”. Em nài nỉ chúng tôi thuyết phục bà cho phép em nhập học.


Câu chuyện vừa rồi không phải là ngoại lệ. Suốt hai mùa tuyển sinh của Đại học Fulbright, chúng tôi gần như luôn nhận được những câu hỏi cứ như đúc ra từ cùng một khuôn nào đấy:


- Con tôi học giáo dục khai phóng rồi ra trường thì làm nghề gì?

- Tại sao các con phải học những môn học “vô dụng” như Triết học, Nghệ thuật, Lịch sử?

- Những môn ấy có ích gì?

- Nếu chỉ có 2 năm cuối để chọn chuyên ngành thì các con có đủ cạnh tranh khi đi xin việc với những bạn học chuyên ngành ngay từ đầu hay không?

- ...


Những câu hỏi đó, dù có gói tròn trịa trong lớp vỏ từ ngữ đẹp đẽ, nhã nhặn thế nào đi nữa, cũng đều phản ánh nỗi lo lắng rất chính đáng của các bậc phụ huynh về tương lai của con mình.


" [...] Bốn năm chuyên ngành ra trường còn chẳng ăn thua, nữa là học chung chung thế.”

Giá trị của giáo dục khai phóng: Năng lực thích ứng với thay đổi


Nhiều gia đình Việt Nam cho rằng đại học chỉ đơn thuần là nơi cung cấp kiến thức chuyên môn để sinh viên có thể làm việc sau khi ra trường. Do đó, những lựa chọn ngành học hàng đầu hầu hết đều tập trung vào những ngành dễ kiếm việc làm và dễ có thu nhập cao. Và như một quan niệm đã “đóng đinh” trong tiềm thức của nhiều người, ngành học đại học và con đường sự nghiệp tương lai dường như là một đường thẳng tắp: học tài chính–ngân hàng để ra làm chuyên viên tài chính, học luật để ra đời làm luật sư, v.v. Với đó, nhiều phụ huynh không thể hiểu vì sao con mình lại phải dành vài năm đầu tiên ở Fulbright để tìm hiểu về các môn học nhân văn, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên trước khi quyết định chọn một chuyên ngành cụ thể.


Những mối quan ngại nêu trên có thể có cơ sở thực tế 20 năm trước. Tuy nhiên, thực tế đã đi xa dần lối tư duy cũ đó. Khi tin vào quan niệm rằng ngành học sẽ trở thành việc làm, nhiều người đã quên mất rằng, có tới 60% sinh viên tốt nghiệp làm việc trái ngành, theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Đáng buồn là trong số gần 1 triệu tài xế “xe ôm công nghệ”, có tới 80% là cử nhân thất nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn than vãn không tuyển dụng nổi những nhân viên như ý.


Dù muốn hay không, chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng: dù là nghề gì đi chăng nữa, những kiến thức học ở trường đại học sẽ ít nhiều trở nên lạc hậu với công việc thực tế. Những người theo học kĩ thuật lập trình máy tính cách đây hơn 10 năm giờ đang phải đương đầu với một thế giới mới của các ứng dụng và thiết bị di động.


Tương lai càng ảm đạm hơn nữa với dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, rằng trong vòng 10-15 năm tới (*), gần 2/3 công việc hiện tại sẽ biến mất và cũng ngần đó công việc mới sẽ được sinh ra. Đó chính là thế giới mà những đứa trẻ của chúng ta hôm nay sẽ phải đối mặt khi ra trường! ((*): bài viết được gửi trong năm 2018. Chú thích của ban biên tập.)


Vậy thì điều gì mới giúp chúng ta trụ vững và thành công trong một thế giới không ngừng biến đổi như vậy? Là năng lực tư duy phản biện, khả năng không ngừng học hỏi, tái tạo bản thân để thích ứng với những thách thức mới – những giá trị nền tảng của giáo dục khai phóng.

Trong hàng loạt cuộc trao đổi của chúng tôi với các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, tất cả đều khẳng định họ chú trọng tìm kiếm ở người lao động năng lực không ngừng học hỏi và kỹ năng giải quyết vấn đề, chứ không phải những kỹ năng chuyên môn liên quan đến một công việc cụ thể.


Có hai lý do khiến những nhân tố kể trên chỉ được ươm mầm tốt nhất trong môi trường giáo dục khai phóng. Trước hết, sinh viên giáo dục khai phóng được học cách suy nghĩ và giao tiếp theo các phương thức khác nhau bởi một nền giáo dục hết sức đa dạng. Thứ hai, tỉ lệ giảng viên-sinh viên trong một trường giáo dục khai phóng rất thấp, nên giữa giảng viên và sinh viên luôn có sự tương tác và kết nối chặt chẽ. Ở Fulbright, tỉ lệ này hiện tại là 54 sinh viên:16 giảng viên, và trường hướng tới tỉ lệ ổn định lâu dài là 15:1.


Không ai trong chúng ta đoán trước được công việc trong tương lai sẽ ra sao. Với những thay đổi chóng mặt như hiện nay, chuyện một người có thể phải làm 6-7 nghề trong cuộc đời mình sẽ ngày càng phổ biến. Rõ ràng, giáo dục khai phóng chuẩn bị cho người học năng lực quan trọng nhất để thành công lâu dài trong sự nghiệp: khả năng thích ứng với những môi trường mới, thách thức mới.


Nói như Tiến Sĩ Drew Faust, cựu hiệu trưởng Đại học Harvard:

giá trị của giáo dục khai phóng là trang bị cho mọi người những kỹ năng để thành công trong công việc thứ sáu của họ, chứ không phải công việc đầu tiên.


Mọi thứ biến đổi không ngừng, sinh viên đại học "đón đầu xu thế" như thế nào?


Sự hữu ích của những kiến thức “vô dụng”


Những người hoài nghi giáo dục khai phóng thường thường lập luận rằng các môn khoa học nhân văn quá xa rời thực tiễn và không giúp ích cho công việc tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế, những công ty thành công nhất trong kỷ nguyên công nghệ hiện nay lại chính là những công ty biết kết hợp nhuần nhị giữa công nghệ và giáo dục khai phóng. Nếu như hai mươi năm trước, các công ty công nghệ chỉ cần tập trung vào sản xuất là đủ thì giờ đây, họ chỉ có thể đứng vững khi chiếm lĩnh lợi thế vượt trội về thiết kế, truyền thông, và kết nối – những lĩnh vực của giáo dục khai phóng.


Steve Jobs đã nói về tầm quan trọng của giáo dục khai phóng trong sự kiện ra mắt iPad 2 rằng: “Đây chính là DNA của Apple – rằng chỉ riêng công nghệ là không đủ - công nghệ phải kết hôn với giáo dục khai phóng, kết hôn với nhân văn, để tạo ra những sản phẩm có thể khiến trái tim mỗi chúng ta phải hoan ca, và không ở đâu mà điều đó lại được thể hiện rõ rệt như trong các thiết bị hậu PC của chúng tôi.”


Câu chuyện của Facebook cũng chứng minh sự hữu ích của những kiến thức đến từ giáo dục khai phóng. Hiểu biết sâu sắc về tâm lý con người đã đóng góp vào thành công thần kỳ của Facebook không kém gì những đột phá công nghệ của họ. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Mark luôn chỉ ra rằng, trước khi Facebook ra đời, hầu hết mọi người đều che giấu danh tính trên Internet. Facebook tin rằng khi bạn có thể tạo dựng một không gian mở, một văn hoá công khai, mọi người sẽ tự nguyện cởi mở bản thân, và điều đó sẽ tạo nên một nền tảng mang tính cách mạng. Trong một cuộc phỏng vấn, anh trả lời: “Tâm lý và xã hội học có ảnh hưởng tới sự vận hành Facebook không kém gì công nghệ”.


Những người còn hoài nghi về sự hữu ích của những môn học tưởng như “vô dụng” nói trên có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng 1/3 trong số 500 CEO hàng đầu nước Mỹ theo bảng xếp hạng của Fortunes tốt nghiệp từ các trường giáo dục khai phóng. Ngay ở Trung Quốc, giám đốc điều hành của Alibaba, tỷ phú Jack Ma có bằng cử nhân về ngôn ngữ Anh!


Làm sao để chuẩn bị cho công việc thứ 6 sau ra trường - trước các biến động nghề nghiệp tương lai?

Trở lại câu chuyện của người mẹ kể trên, cũng như nhiều bậc phụ huynh khác, tôi chỉ đơn giản nói với họ rằng:


Hãy một lần lắng nghe con và để con tự đưa ra những lựa chọn của riêng mình. Đừng nên làm những thứ mà cha mẹ chúng ta đã làm với chúng ta khi xưa – đó là bảo chúng ta nên học cái gì và biến chúng ta thành những con người thụ động. Chúng ta không thể sống thay cuộc đời các con và hãy để các con khởi đầu hành trình đến thế giới tương lai chưa biết trước này bằng điều mà các con thực sự đam mê.

 

Kết:

  • Tâm lý “học ngành gì ra làm ngành đó” là một trong những nguyên nhân cốt lõi của những hoài nghi về tính thực tiễn của giáo dục khai phóng.

  • Trong xã hội biến đổi khôn lường, khi mà tốc độ thay đổi của giáo dục chưa song hành cùng tốc độ phát triển của kinh tế, thì chỉ có khả năng tự học và năng lực thích ứng với các môi trường mới sẽ giúp ta tồn tại và phát triển.

  • Không có môn học nào vô dụng. Điều quan trọng là cách mà chúng ta học những môn học đó.



Tác giả:

Bùi Việt Lâm

Giám đốc Truyền thông, Đại học Fulbright Việt Nam


8 views0 comments
bottom of page