top of page

Giáo dục khai phóng có suy tàn? (Phần cuối)

Những dữ liệu được trình bày trong các phần trước không mang lại một bức tranh màu hồng cho nhiều sinh viên theo học các ngành khoa học khai phóng, song điều đó không có nghĩa là các bạn nên lo lắng. Thực tế là, sinh viên các ngành giáo dục khai phóng không nhất thiết phải theo đúng ngành mình đã học tại trường đại học. Nhiều bạn tốt nghiệp từ những ngành này trở thành nhân tài được săn đón trong nhiều mảng ngành nghề đa dạng.


Theo dữ liệu từ Hiệp hội các trường Đại học Hoa Kì (Association of American Colleges and Universities, AACU), những nhóm nghề được đông đảo sinh viên tốt nghiệp từ các ngành khoa học khai phóng lựa chọn bao gồm: Giáo viên tiểu học, trung học; Luật sư, thẩm phán; Quản lý; Giảng viên; Nhân viên quản trị giáo dục; Tư vấn viên; Thư ký; Kế toán, kiểm toán; Marketing và kinh doanh, theo đúng thứ tự này (dữ liệu tập hợp năm 2011).


Từ dữ liệu này ta nhận ra được hai điểm sau đây: (1) sinh viên các ngành khoa học khai phóng có xu hướng thâm nhập vào các ngành nghề đòi hỏi nhiều giao tiếp hoặc nghiên cứu chuyên sâu, và những ngành nghề này không bao giờ cũ; (2) dù sinh viên theo các ngành khoa học khai phóng có thể không có kiến thức chuyên môn của các ngành nghề đặc thù, nhưng họ vẫn có thể tham gia lao động trong những ngành này, bằng chứng là một lượng lớn lao động từ các ngành Luật, Tài chính, Kinh doanh vẫn là các bạn sinh viên khoa học khai phóng.



15 nhóm nghề có đông sinh viên nhóm ngành khai phóng làm việc nhất


Giáo viên Tiểu học và Trung học Cơ sở

Luật sư, Thẩm phán

Nhà quản lý

Giảng viên Cao đẳng/ Đại học

Nhà hành pháp và Nhà lập pháp

Nhà quản lý Giáo dục

Nhà Công tác Xã hội

Giáo viên Trung học Phổ thông

Tư vấn viên

Chuyên viên Bán hàng

Giáo sĩ

Giám sát Kinh doanh Bán lẻ

Thư ký và Trợ lý Điều hành

Kế toán và Kiểm toán

Marketing và Quản lý Bán hàng

Bảng 1: 15 nhóm nghề có đông sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành khai phóng tham gia nhất (theo AACU)


Khởi đầu của các bạn sinh viên thuộc những ngành khoa học khai phóng sẽ gian nan hơn. Tuy nhiên, Bảng 3 trong bài viết trước cho thấy rằng theo thời gian, họ sẽ dần thu hẹp khoảng cách kỹ năng và thu nhập. Điều hết sức thú vị là các bạn sẽ không chỉ bắt kịp, mà còn vượt qua được các bạn tốt nghiệp từ các ngành đào tạo nghề đặc thù khi đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp.


Cũng theo thống kê mà Hiệp hội thu thập từ hơn 3 triệu khảo sát thông qua kênh American Community Survey (2012) của Cục Thống kê Hoa Kỳ, thì ở thời điểm sự nghiệp đã chín muồi (lứa tuổi 50 và 60), các cử nhân ngành khai phóng có thu nhập vượt cao hơn cả các bạn được đào tạo chuyên môn về nghề nghiệp. Các cử nhân nhóm ngành khoa học nhân văn có thu nhập nhỉnh hơn một chút so với các bạn cử nhân nghề đồng trang lứa, còn cử nhân các nhóm ngành khoa học tự nhiên có thu nhập vượt xa nhóm này.


Bảng 2: Thu nhập của cử nhân các nhóm ngành khai phóng và đào tạo chuyên nghiệp

(theo AACU (2014), Humphreys & Kelly (2014))


Lưu ý: Khảo sát không đưa thông tin cao học của các ứng viên tham gia khảo sát. Điều đó có nghĩa là, có nhiều người trong số này học lên Cao học, và có khả năng theo học một ngành đào tạo nghề, hoặc tiếp tục theo đuổi sâu hơn nhóm ngành khai phóng.


Với nhóm ngành Toán và khoa học tự nhiên (Vật lý, Sinh học, Hóa học, v.v.), thu nhập hàng năm tại thời điểm cao nhất vượt trội hơn nhóm đào tạo ngành đặc thu đến hơn $20,000, còn nhóm khoa học xã hội và nhân văn cũng nhỉnh hơn $2,000. Điều này chứng tỏ rằng, 'học khoa học khai phóng ra trường thất nghiệp' và 'học khai phóng không làm ra tiền' là một câu truyền miệng rộng khắp, nhưng hoàn toàn không có cơ sở chắc chắn.


Giáo dục khai phóng có thực sự đem lại giá trị?


Đối với nhu cầu học nghề hoặc đã tìm thấy ngành mình mong muốn theo đuổi, giáo dục khai phóng thường là lựa chọn không tối ưu và thiếu tập trung. Thực tế cho thấy những ngành tưởng chừng như không cần đến giáo dục khai phóng như Khoa học, Kĩ thuật, Kỹ sư, Toán, lại thấy sự bổ trợ của của các ngành cốt lõi này để tạo ra bước đột phá, chẳng hạn như tạo ra một sản phẩm, lối tư duy mới.


Triết lý của giáo dục khai phóng như một bộ rễ bám sâu và rộng, giúp các nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia tìm được ngôn ngữ và chất liệu để giúp đối tác, cộng đồng, công chúng hiểu công việc họ đang làm và cùng hợp tác kiến tạo các sản phẩm mới. Với yêu cầu đầy thách thức của nhiều biến động và cả sự đột phá trong mọi lĩnh vực, các chuyên gia cần phải thông hiểu nhau để cùng kiến tạo những sản phẩm và giải pháp tích hợp. Bởi thế, giáo dục khai phóng không những không lạc hậu, mà còn trở nên giá trị hơn bao giờ hết.


"Triết lý của giáo dục khai phóng như một bộ rễ bám sâu và rộng, giúp các nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia tìm được ngôn ngữ và chất liệu để giúp đối tác, cộng đồng, công chúng hiểu công việc họ đang làm và cùng hợp tác kiến tạo các sản phẩm mới."

Biên tập bởi đội ngũ IEG Foundation

----------

  1. Liberal Arts Graduates and Employment, Setting the Records Straight, 2014, AACU

  2. Humphreys, D. & Kelly, P., How Liberal Arts and Sciences Majors Fare in Employment, 2014, AACU

2 views0 comments
bottom of page