Trò thấy sợ, trò sẽ học?
- trungnguyen9
- Oct 20, 2023
- 5 min read
Trong những giai đoạn học sinh chuẩn bị cho các bài kiểm tra và kỳ thi quan trọng như thi giữa kỳ, cuối kỳ, thi tốt nghiệp THPTQG, rồi chứng chỉ IELTS, SAT, ACT, việc thầy cô dọa các con về thất bại trong tương lai thường được sử dụng như một hình thức để khuyến khích học sinh học tập chăm chỉ hơn. Tuy nhiên, với vai trò nhà giáo, các thầy cô có tự hỏi liệu thông điệp này có phải là một cách tạo động lực thích hợp để áp dụng cho cả lớp hay không? Thầy cô hãy cùng IEG Foundation sẽ khám phá sâu hơn về cách mà cảnh cáo tiêu cực có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và hiệu quả học tập của học sinh.
Năm học mới vừa bắt đầu và học sinh đã "lên dây cót" ôn luyện cho kì thi cuối cấp của mình. Sau ba năm vào cấp 3, các con sẽ tham gia các kỳ thi với những kết quả quan trọng cho tương lai của mình, chúng có thể làm bàn đạp để con tiếp tục học cao hơn hoặc đi theo một số ngành nghề nhất định.
Một phần công việc của giáo viên là khuyến khích học sinh tập trung học và tham gia đầy đủ vào bài để đạt được kết quả cao nhất. Thầy cô có thể nhấn mạnh tầm quan trọng của kì thi chuyển cấp này đối với tương lai của các con. Ví dụ, giáo viên có thể chỉ ra rằng khi có điểm tốt, trò có thể theo học các chuyên ngành đại học, đi thực tập và tìm kiếm công việc như thế nào.
Và khi nhấn mạnh tầm quan trọng của kỳ thi đại học, thầy cô cũng có thể sử dụng các thông điệp mang hơi hướng tiêu cực về những thất bại có thể xảy ra khi các trò không cố gắng học tập. Ví dụ như: “Các anh các chị mà không chịu học đi, rồi thể nào cũng trượt và sẽ chẳng vào được trường đại học nào đâu.”
Chúng tôi đã nghiên cứu cách học sinh hiểu và diễn giải những thông điệp này từ thầy cô giáo của mình và nhận thấy rằng mặc dù những cảnh báo chúng có thể thi trượt sẽ thúc đẩy một số em học tập chăm chỉ hơn nhưng đó không phải là một cách tạo động lực nên được dùng cho cả lớp.
Tạo động lực từ nỗi sợ
Khi thầy cô buông những thông điệp dùng thất bại ra để cảnh cáo học trò, như vậy được gọi là “cách tạo động lực từ nỗi lo sợ”. Những lời nói ấy có thể tạo ra nỗi lo lắng của học sinh về thất bại một cách mạnh mẽ. Giáo viên có xu hướng dùng những lời cảnh báo ấy thường xuyên hơn, một khi họ cảm giác rằng học trò sẽ thấy sợ khi nghe chúng, và khi giáo viên đã dùng mọi cách những học sinh vẫn không chịu tập trung học. Mục đích của thầy cô đơn giản chỉ là làm cho các con “phát hoảng”, để từ đó thay đổi hành vi của mình, chuyên tâm học tập hơn.
Nỗi sợ có thể là chất xúc tác tạo động lực mạnh mẽ. Khi một bạn học sinh nghĩ rằng việc đạt điểm số cao trong kì thi là rất quan trọng, đồng thời lại đang quá lạc quan về khả năng của mình, thì một động lực bắt nguồn từ nỗi sợ có thể sẽ hiệu quả, ví dụ như “Nếu trượt kỳ thi đại học, bạn sẽ rất chất vật trong chuyện tìm việc sau này”. Câu nói ấy có thể thúc đẩy học trò phải chăm chỉ hơn.
Các nhà nghiên cứu diễn giải điều này là việc học sinh coi thông điệp ấy như một thử thách. Một học sinh mà chúng tôi đã làm việc cùng cho biết: “Con không cảm thấy hoảng lắm về lời cảnh báo ấy và con cảm thấy cũng khá tự tin vào môn toán… [Câu nói đó] mang lại cho con thêm động lực để làm việc chăm chỉ cũng như niềm yêu thích học nhiều chủ đề hơn và cũng kĩ hơn nữa.”
Nhưng đối với những học sinh khác, các con cũng coi kết quả kỳ thi ấy rất quan trọng, có thể mất đi sự tự tin vào bản thân. Đối với các con, nỗi sợ hãi sẽ thi trượt này có thể gây ra cảm giác lo âu và vô vọng. Các con có thể mất động lực, trì hoãn và sợ sệt. Cuối cùng, điểm bài kiểm tra của các con thấp hơn.
Qua cách hiểu của các con, điều này được diễn giải giống như một lời đe dọa. Một bạn còn chia sẻ: “Mỗi khi giáo viên dọa con rằng ngày thi đang đến gần và nếu con thi trượt, con sẽ không tìm được một công việc tốt. Con rất sợ và đôi khi con căng thẳng đến mức con muốn khóc.”
Một số học sinh khác thực ra cũng phớt lờ thông điệp này. Các bạn ấy có thể chỉ đơn giản là không quan tâm đến những kỳ thi này, hay đã có định hướng khác ngoài học tập - hoặc hoàn toàn ngược lại, các con rất tự tin rằng mình sẽ làm tốt trong bài thi đó.

Kết hợp nhiều thông điệp
Nghiên cứu này cho thấy rằng việc sử dụng cùng một thông điệp để khuyến khích chung cả lớp có thể phản tác dụng. Đối với những học sinh cảm thấy tự tin vào khả năng của mình, những lời cảnh báo thất bại này có thể là kiểu thông điệp tạo động lực phù hợp.
Tuy nhiên, vì giáo viên khó có thể đánh giá chính xác nhận thức của học sinh và cách các con diễn giải thông điệp từ thầy cô, nên cũng sẽ rất rủi ro nếu khuyên các thầy cô hãy dùng cách này. Mức độ tin tưởng của học sinh vào khả năng của chính các con cũng thay đổi theo thời gian, vì vậy việc dọa các con trượt môn rồi thất bại có thể phù hợp vào một lúc này, nhưng lại không phù hợp vào lúc khác.
Tất nhiên, thầy cô có thể truyền tải một thông điệp tích cực hơn, chẳng hạn như: “Nếu con học tập chăm chỉ, con sẽ đạt được điểm cao, con sẽ dễ bước chân vào cánh cổng đại học”. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng học sinh phản ứng với những lời động viên như thế này cũng tương tự như những lời cảnh báo kia. Dù gì thì định hướng bằng thành công để khuyến khích học sinh cũng gây áp lực lên các con.
Một cách tiếp cận hữu ích hơn là thầy cô cố gắng tăng khả năng học sinh hiểu những thông điệp như thế như một thử thách hơn là một lời đe dọa. Để đạt được điều này, giáo viên có thể thử giúp các con có cảm giác kiểm soát việc học và cả chuyện thi cử của mình tốt hơn. Bằng cách giúp học sinh suy ngẫm, phản tư về cách các con tiếp nhận kiến thức quan trọng cho kì thi, thầy cô có thể giúp con có được sự chủ động ấy. Sau đó thầy cô sẽ đưa nhận xét, phản hồi về chiến lược học tập của con, từ đó con sẽ tăng cảm giác làm chủ và tăng cả kiến thức, từ đó cải thiện các phương pháp học tập của chính mình.
Biên dịch: IEG Foundation
Bài viết gốc: The Conversation - Threats of failure motivate some students – but it’s not a technique to use on the whole class
Hozzászólások