top of page

Trò chuyện cùng ngài Ken Robinson về sự sáng tạo (Phần 1)


Hãy cùng ban biên tập của IEG Foundation đến với cuộc phỏng vấn của ngài Ken Robinson, một nhà tiên phong được quốc tế công nhận trong việc phát triển sáng tạo, đổi mới trong nguồn nhân lực. Cuộc nói chuyện xoay quanh về tầm quan trọng và một vài hiểu lầm về tính sáng tạo trong thế kỉ 21.


Cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi Amy M. Azzam, Phó tổng biên tập cấp cao của tạp chí học thuật Educational Leadership.


------

Hai khái niệm “sáng tạo” và “tư duy phản biện” đều được coi là những kỹ năng quan trọng trong thế kỷ 21, tuy vậy, vẫn có nhiều người cho rằng hai kỹ năng này tách biệt và khắc nhau như dầu với nước. Ngài nghĩ gì về điều này?


Thật thú vị khi có người nghĩ rằng sự sáng tạo và tư duy phản biện là hai điều đối nghịch nhau. Có lẽ họ vẫn cho rằng để một người thực sự sáng tạo, họ phải hoàn toàn được tự do, hay hoạt động không có tổ chức. Nhưng sự thật là gì: Thực ra, ta chỉ thật sự sáng tạo khi đang làm một điều gì đó. Chúng ta có thể thỏa sức sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như toán học, khoa học, âm nhạc, khiêu vũ, ẩm thực, giảng dạy, chăm sóc gia đình hoặc kỹ thuật. Vì sao lại như vậy? Bởi điều quan trọng nhất của quá trình sáng tạo chính là khi ta tìm tòi những cách làm mới trong bất kỳ hoạt động nào mà chúng ta tham gia. Nếu bạn là một đầu bếp sáng tạo, thì tính độc đáo của bạn sẽ được đánh giá dựa trên những giá trị ẩm thực. Nhưng nếu bạn cố áp dụng tiêu chí dành cho một bản nhạc jazz hiện đại cho một thợ làm bánh souffle, bạn sẽ chỉ thất bại mà thôi.


Quá trình sáng tạo có thể bắt đầu bằng một ý tưởng mới hoặc một linh cảm nào đó. Nhiều khi, bạn đang vắt tay lên trán suy nghĩ một vấn đề, và những ý tưởng mới cứ từ từ tuôn ra. Sáng tạo là một quá trình, không phải một sự kiện đơn lẻ, và sự sáng tạo trực tiếp liên quan tới tư duy phản biện cũng như những ý tưởng mới và trí tưởng tượng phong phú.


Nhưng sáng tạo không chỉ gói gọn ở việc đưa ra những ý tưởng mới; vì ngoài kia có biết bao ý tưởng điên rồ và phi thực tế. Vì vậy, một phần thiết yếu của mọi quá trình sáng tạo là khả năng đánh giá. Nếu ta đang tìm lời giải cho một bài toán, chúng ta cần liên tục tự hỏi rằng, "Liệu hướng đi này có hợp lý không?" Nếu bạn đang soạn một bản nhạc trên piano, bạn cần lắng nghe những nốt nhạc và nghĩ, "Cách làm này có hiệu quả không? Bản nhạc này có đang đi theo hướng mình muốn hay không?"

Ngài Ken Robinson phát biểu tại TED2010 ở Long Beach, California. (TED / James Duncan Davidson)

Vậy theo ngài, quan niệm sai lầm lớn nhất mà mọi người có về sự sáng tạo là gì?


Điều đầu tiên: người ta cho rằng sự sáng tạo chỉ thuộc về những người đặc biệt — hay nói cách khác, chỉ một số người thực sự sáng tạo. Thực chất, mọi người đều có năng lực sáng tạo tuyệt vời. Chính sách thúc đẩy sự sáng tạo trong giáo dục cần hướng tới tất cả học sinh, chứ không chỉ một vài em có tài năng nổi bật.


Quan niệm sai lầm thứ hai cho rằng sáng tạo chỉ dành cho các hoạt động đặc biệt, bởi phần lớn người ta chỉ liên kết khả năng sáng tạo với các môn nghệ thuật. Tôi rất ủng hộ nghệ thuật, nhưng quá trình sáng tạo đích thực là một chức năng cần thiết của mọi thứ chúng ta làm. Vì vậy, giáo dục cho sự sáng tạo cần được đưa vào toàn bộ chương trình giảng dạy, chứ không chỉ là một phần nhỏ của nó.


Quan niệm sai lầm thứ ba cho rằng sự sáng tạo là để bản thân tự do (hay một chút gì đó bất cần), kiểu như khi ta chạy quanh phòng một cách có chút điên rồ. Thực chất, sáng tạo là một quá trình mang tính kỷ luật, mà ở đó ta cần có kỹ năng, kiến ​​thức và khả năng kiểm soát. Đương nhiên, quá trình sáng tạo cũng đòi hỏi trí tưởng tượng và cảm hứng. Nhưng thay vì chỉ là một câu hỏi mở mang tính giải tỏa, nó là một quá trình học tập hàng ngày có kỷ luật. Nếu bạn nhìn vào một số người mà chúng tôi tôn trọng và ngưỡng mộ vì thành tựu sáng tạo của họ, đó là vì những hiểu biết sâu sắc, mang tính đột phá và sự nghiêm khắc đối với bản thân mà họ đã mang đến cho công việc của mình.


Tại sao Ngài nghĩ rằng sự sáng tạo là một yếu tố quan trọng trong thời điểm hiện tại?


Ngày nay, con người đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ. Trong vòng 30 năm qua, dân số thế giới đã tăng gấp đôi, và có nhiều người sống trên hành tinh này hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử. Đối ngược với sự tăng trưởng dân số, các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới đang ngày càng trở nên khan hiếm hơn. Đồng thời, ta cũng chứng kiến sự phát triển của công nghệ với tốc độ chóng mặt. Nó đang thay đổi cách ta làm việc, suy nghĩ và kết nối với nhau. Thú thực, công nghệ đang thay đổi phần lớn các giá trị văn hóa của chúng ta.


Nếu ta nhìn vào những gánh nặng hiện thời đối với các tổ chức chính trị và tài chính, về ngành y tế và chăm sóc sức khỏe, hay trong ngành giáo dục, ta khó có thể nhìn lại trong quá khứ và tự nhủ rằng đây là những gánh nặng mình đã từng trải qua.

Đúng vậy, những thay đổi mà chúng ta đang gặp phải ở thời điểm này chưa từng xuất hiện trong quá khứ, và sự khéo léo, trí tưởng tượng và óc sáng tạo sẽ là những yếu tố cực kì cần thiết để đối mặt với những điều mới mẻ này.

Ngoài ra, chúng ta đang sống trong một thời đại khó định đoán. Những đứa trẻ bắt đầu đi học vào tháng 9 này sẽ nghỉ hưu vào khoảng năm 2070. Không ai biết rằng thế giới sẽ trông như thế nào trong năm năm, hoặc thậm chí trong năm tới, nhưng mục đích của giáo dục lại cần giúp trẻ em hiểu thế giới và tương lai mà chúng sẽ sống. Cô biết đấy, đối với thế hệ của tôi — tôi sinh năm 1950 — chúng tôi được dạy rằng nếu mình làm việc chăm chỉ, học đại học và có bằng cấp chính quy, chúng tôi sẽ thành công trong cuộc sống. Chà, ở thời đại bây giờ điều này dường như không còn đúng nữa, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục vận hành hệ thống trường học của mình như thể đó là một sự thật mặc định. Bây giờ, do có quá nhiều người có bằng đại học, nó không còn có giá trị tương xứng đối với thời điểm nhiều năm về trước. Vì vậy, sáng tạo là điều cần thiết đối với chúng ta, nó cần thiết cho nền kinh tế của chúng ta.


Tôi làm việc rất nhiều với các công ty nằm trong danh sách Fortune 500 và họ luôn nói rằng, "Chúng tôi sẽ tuyển những người có sáng kiến, những người có suy nghĩ khác biệt." Vậy nhưng tỷ lệ thất bại của các công ty nói chung vẫn không giảm đi. Nước Mỹ hiện đang đối mặt với thách thức lớn nhất từ trước tới giờ — đó là khả năng duy trì vị thế chiếm hữu của mình đối với các nền kinh tế khác trên thế giới. Tất cả những thách thức này đòi hỏi mức độ đổi mới, sáng tạo và sự khéo léo cao. Hiện tại, thay vì thúc đẩy sự sáng tạo, tôi nghĩ rằng hệ thống giáo dục của chúng ta đang khiến cho con trẻ quen với tính đồng nhất, rập khuôn.


------


Ở Phần 2 của bài phỏng vấn, Ngài Ken Robinson sẽ trao đổi về sự ảnh hưởng của sáng tạo trong văn hóa kiểm tra chuẩn hóa hiện nay. Liệu các thước đo đánh giá tính sáng tạo, hay tính độc đáo có thật sự chính xác và cần thiết? Các trường học cần làm gì để thúc đẩy sự sáng tạo ở con trẻ?


Hãy cùng ban biên tập IEG Foundation đón đọc phần 2 của bài phỏng vấn vào ngày 3/3/2021 nhé!


Lược dịch: IEG Foundation

5 views0 comments
bottom of page