top of page

Nuôi dưỡng sự bền bỉ trong lớp học

Đối với một vài học sinh, một thử thách khó nhằn cũng không khác gì hành trình leo một đỉnh núi mà các con có thể dễ dàng chinh phục. Đối với một số em khác, những thử thách này lại giống như hành trình leo lên đỉnh Everest cao vời vợi: các em trở nên nhụt chí và thậm chí còn không đủ động lực để thực hiện những bước đầu tiên.


Tuy nhiên, trước khi dán nhãn những phản ứng này của các con, thầy cô cũng phải công nhận rằng: tất cả các con luôn có khả năng chinh phục bất kì thử thách nào trong quá trình học cũng như trong cuộc sống. Điều một số học sinh cần là sự nhận thức về tiềm năng của chính mình, rằng các con hoàn toàn có thể trở nên kiên trì và vượt qua được những thử thách lớn. Vậy thầy cô có thể làm gì để giúp các con rèn luyện đức tính này trong lớp học?



“Tất cả học sinh đều có trong mình sự bền bỉ, bất kể việc các con trông có thiếu hứng thế nào đi chăng nữa với việc học. Để quan sát liệu một học sinh có ý chí bền bỉ hay không, thầy cô hãy thử quan sát xem sự hăng say của các con được thể hiện ở khía cạnh nào. Chúng ta sẽ nhận ra rất nhanh rằng tính kiên trì luôn ẩn náu trong mỗi học sinh” - trích lời Steve Heisler - nhà tư vấn phương pháp giảng dạy - trong một bài báo cho EdWeek năm 2018. “Tính bền bỉ bắt đầu từ giây phút chúng ta theo đuổi niềm vui: trong các hoạt động giải trí, trong thể thao, kể cả trong những lần buộc dây giày nữa! Ý chí và sự kiên trì luôn trở nên dồi dào khi chúng ta đang thực hiện những gì khiến mình hứng thú hoặc vui thích. Ngược lại, cái tính lười cũng dễ len lỏi vào khi ta cảm thấy thiếu động lực hơn. Khi các con rơi vào trường hợp này, đó là cũng thời điểm sự hỗ trợ của thầy cô trở nên hữu hiệu nhất. 


Heisler tin rằng thầy cô có thể giúp các con có ý thức rõ ràng hơn về những lần sự bền bỉ của mình đóng góp vào thành công, và rằng kĩ năng này có thể được áp dụng trong nhiều tình huống.


“Việc giúp học sinh nhận ra sức mạnh tiềm ẩn của bản thân có thể được coi là sự khởi đầu của một nhà giáo hay một bậc phụ huynh tuyệt vời. Còn việc giúp học sinh vận dụng sức mạnh ấy nhuần nhuyễn như một thói quen chính là sự thăng hoa mạnh mẽ của hai vai trò ấy.” - ông kết luận.


Để xây dựng một lớp học mà ở đó các con có thể an tâm thử sai, vấp ngã, tiếp tục đứng dậy, kiên trì phấn đấu, và cuối cùng là thành công, thầy cô có thể tham khảo một số gợi ý sau đây.


1. Tạo một môi trường an toàn

Chúng ta cần thiết kế một môi trường học mà ở đó mỗi cá nhân luôn được tôn trọng, khuyến khích và động viên để đặt câu hỏi. Trong môi trường này, các con sẽ có không gian để thử những điều mới, làm quen với thất bại hay đạt được những thành tựu khiến chúng tự hào. Thông thường, các con thường được đánh giá dựa trên điểm số và kiến thức nên nỗi lo sợ về sự thất bại luôn ngự trị trong các con. Tuy nhiên, trong một môi trường học tập an toàn, các con sẽ hiểu rằng việc vấp ngã và phạm phải sai lầm cũng nằm trên con đường dẫn tới thành công. 


2. Thực hành tư duy phát triển

Carol S. Dweck - giáo sư Tâm lý học tại đại học Stanford - là người đã tạo nên khái niệm “tư duy phát triển”. Theo bà, tư duy phát triển diễn ra khi “chúng ta tin rằng những kĩ năng cơ bản nhất đều có thể được trau dồi thông qua quá trình nỗ lực luyện tập và bền bỉ không ngừng. Năng khiếu chỉ là xuất phát điểm. Điều này sẽ thúc đẩy hai thứ: niềm đam mê học tập và sức bền dẻo dai - hai điều kiện tiên quyết tạo nên những thành tựu lớn.”



3. Cổ vũ sự kiên trì

Nhà tâm lý học Angela Duckworth, đồng thời là CEO của Character Lab, cho rằng sự kiên trì là yếu tố then chốt trong việc quyết định mức độ thành công của mỗi cá nhân. Theo bà định nghĩa, sự kiên trì là tổ hợp của đam mê và nỗ lực không ngừng nghỉ.


Nhưng điều đó không phải là sự lê lết cực nhọc qua thử thách. Sự kiên trì không phải là việc dành nhiều thời gian hơn để thực hiện điều gì đó. Sự kiên trì là khi chúng ta tập trung cao độ kết hợp với việc rèn luyện hiệu quả. 


“Sự kiên trì xảy ra khi chúng ta quyết tâm theo đuổi đến cùng một việc gì đó, rằng ta thực sự quan tâm tới mức độ trở nên trung thành tuyệt đối. Ta đang được làm thứ ta yêu thích (what we love), và điều đó không chỉ dừng ở bước “rơi vào tình yêu” với thứ đó (falling in love), mà còn là việc ở lại - một sự cam kết lâu bền (staying in love). 


Để hiện thực hoá điều này trong lớp học - nơi mà các con không có hứng thú lắm - thầy cô nên trao quyền để các con đưa ra nhiều quyết định trong việc học hơn. Việc này sẽ tăng thêm động lực cũng như sự hứng thú của các con. Theo chia sẻ của chuyên gia thần kinh học Judy Willis trong một bài báo của Edutopia năm 2019, việc làm chủ các quyết định sẽ góp phần thúc đẩy động lực nội tại của học sinh và duy trì sự nỗ lực của các con trên lớp. Khi các thầy cô tạo cơ hội để các con chủ động thực hành các ý tưởng cũng như nâng cao ý thức tự học của bản thân, sự tự tin và nỗ lực của các con cũng theo đó mà tịnh tiến.


Một điều quan trọng nữa, đó chính là việc đưa ra các ví dụ để các con có cái nhìn thực tế và rõ ràng hơn về sự bền bỉ, cũng như tìm ra những khía cạnh mà các con có thể học hỏi để áp dụng vào tình huống của riêng mình. Là người làm việc gần gũi với các con nhất, thầy cô là người các con luôn cảm thấy tin tưởng. Vì vậy, thật tuyệt vời nếu thầy cô có thể chia sẻ với các con về sự bền bỉ của chính mình và cùng bàn luận xem các con có thể tham khảo được gì từ những câu chuyện đó.


Hai ví dụ về sự bền bỉ

Hãy thử tưởng tượng, con đang rất chật vật với một bài tập khó. Đó có thể là một bài toán phức tạp, một bài luận nhiều chữ, hay một bài thuyết trình trước cả lớp. Con có thể đã nghĩ đến việc bỏ cuộc, hoặc chỉ bỏ ra nỗ lực tối thiểu để hoàn thành yêu cầu, dù con biết rằng điều đó là không nên. Điều gì sẽ xảy ra khi các con có sự bền bỉ trong trường hợp này?


Khi đó, các con sẽ tiếp tục ngay cả khi con chỉ muốn bỏ cuộc. Nếu không có sự bền bỉ, con sẽ không còn nỗ lực tối đa và chưa chắc đã hoàn thành xong bài tập. Điểm số của con cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Con sẽ không học được thứ cần học, và cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong các bài học sau này do bị hổng kiến thức. Thậm chí có khả năng con sẽ phải làm lại bài tập đó nếu chưa đạt yêu cầu. Như vậy, sự bền bỉ giúp con vượt qua thử thách bằng cách nỗ lực ở hiện tại thay vì sau này phải ôm lấy toàn bộ trách nhiệm đùn đẩy bởi chính mình từ ngày này qua ngày khác. 


Một ví dụ khác cho sự bền bỉ đến từ anh em nhà Wright. Wilbur và Orville Wright chưa từng học đại học, nhưng họ chính là những người tiên phong giúp kiến tạo nên ngành hàng không trong thế giới hiện đại chúng ta đang sinh sống.


Trong quá trình học cách chế tạo máy bay, thất bại là điều tất yếu sẽ xảy ra. Anh em nhà Wright đã nhận thất bại vô số lần sau những nỗ lực thử nghiệm hơn 1000 chuyến lái thử với chiếc máy bay không động cơ của họ. Nhưng sau mỗi lần, họ lại tiếp tục đứng dậy và tìm kiếm những điểm cần khắc phục, và những gì họ cần cải thiện để trở thành các phi công giỏi hơn. 


“Họ không được giáo dục đại học, không được huấn luyện về kỹ thuật chuyên môn, cũng không hề có kinh nghiệm làm việc, không có kết nối với bất kì nhà tài trợ hay nhận được phụ cấp nào từ chính phủ. Tất cả những gì họ có chỉ là những đồng vốn ít ỏi” - trích lời David McCullough trong cuốn sách “Anh em nhà Wright” (bản gốc: The Wright Brothers).

Như vậy, nhờ có sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ, ta có thể tiếp tục trụ vững ngay cả khi ở trong những nghịch cảnh gian nan nhất.


---

Biên tập: IEG Foundation



34 views0 comments
bottom of page