top of page

Học qua trò chơi: 5 nền tảng phổ biến



Học qua trò chơi (Gamified Education) là gì? Là việc sử dụng những đặc điểm của trò chơi trong giảng dạy, có thể kể đến việc ghi điểm, các phần thưởng, việc chia đội để thi,… Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu một ứng dụng đơn giản để thầy cô có thể biến một phần bài giảng của mình thành trò chơi để tạo hứng thú cho học sinh.

1. Minecraft Education Edition

Minecraft là một tựa game bán chạy hàng đầu thế giới. Đây là một dạng trò chơi có kết thúc mở. Người chơi sẽ tự tạo ra lối chơi của riêng mình, xây dựng công trình theo ý muốn của chính người chơi trong thế giới 3D.


Khác với phiên bản Minecraft, Minecraft: EE đã lược bỏ đi một số tính năng như chiến đấu, sinh tồn,… để giúp người học tập trung vào phát triển các kỹ năng: tư duy sáng tạo, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề thông qua các nhiệm vụ mà giáo viên đưa ra. Đây là những kĩ năng rất cần thiết cho học sinh thế kỉ 21, khi mà đòi hỏi con người phải luôn đổi mới sáng tạo để đáp ứng nhu cầu công việc.


Bên cạnh phát triển những kỹ năng mềm, học sinh có thể ôn luyện, và học tập những kiến thức các môn học như: Toán học – Logic, Lập trình, Nghệ thuật, tiếng Anh, Văn, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Hóa học, Tin học…một cách tự nhiên và hiệu quả nhất.


Thầy cô áp dụng Minecraft Education vào bài giảng như thế nào?

Một mô hình cầu mắt được học sinh thiết kế trong Minecraft Education.
  • Sinh học

Ví dụ với môn Sinh học, sau khi học xong về bài cấu tạo của mắt môn Sinh học 8, học sinh có thể vào Minecraft để tự xây dựng một công trình mô hình của mắt với các thành phần bên trong như: thủy tinh thể, dịch thủy tinh, dây thần kinh thị giác…



  • Hóa học

Với bản cập nhật Chemistry (Hóa học), học sinh sẽ dễ dàng tìm hiểu về electron, proton, notron. Minecraft: EE cung cấp các block (khối) mới để học sinh có thể khám phá các chất, kết hợp các nguyên tố thành các hợp chất hữu ích, cũng như thực hiện các thí nghiệm cực kì thú vị.

  • Tin học

Môn Tin học cũng là môn được Minecraft: EE tập trung hỗ trợ rất tốt. Với lập trình kéo thả trong Code Builder, học sinh sẽ dễ dàng tìm hiểu kiến thức về các khái niệm của lập trình như: câu điều kiện, vòng lặp… Thay vì tìm hiểu những câu lệnh khô khan cứng nhắc, thì học sinh chỉ cần kéo thả các thẻ lệnh để ghép chúng lại với nhau. Điều này làm cho lập trình trở nên dễ dàng và đơn giản hơn bao giờ hết.


Thầy Cô có thể tìm hiểu thêm về phần mềm và download tại trang web chính thức của Minecraft Education Edition: https://education.minecraft.net/


2. Read Along, một sản phẩm của Google



Một ví dụ điển hình về học tập dựa trên ứng dụng là “Read Along” của Google. Ứng dụng này sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói và văn bản (speech and voice recognition technology) của Google để khuyến khích học sinh tiểu học đọc và theo dõi các câu chuyện.

Ưu điểm của Read Along

  • Trợ lý đọc ảo Diya

Ứng dụng này bao gồm một trợ lý đọc tích hợp có tên Diya. Khi bọn trẻ đọc thành tiếng, Diya sẽ phát hiện xem học sinh nào đang gặp khó khăn trong việc đọc một đoạn văn và đưa ra sự hỗ trợ. Trợ lý Diya cung cấp cho các con phản hồi tích cực trong suốt quá trình con đọc các câu chuyện, giống như cách mà phụ huynh hoặc giáo viên sẽ làm. Các con cũng có thể chạm vào Diya bất cứ lúc nào để được lắng nghe phát âm chuẩn của một từ hoặc một câu.

  • Tích hợp các trò chơi Đọc-viết bổ ích

Khi trẻ dùng ứng dụng nhiều hơn và đạt đến level cao hơn, các con sẽ được tiếp xúc với các trò chơi đọc-viết (word games) mà ở đó con có thể nhận được các phần quả, các điểm bonus để cải thiện kỹ năng.

Một vài trò chơi trong Read Along có thể kể đến Đảo chữ, Hangman, Crossword hay Thử thách Đọc Nhanh, ...

  • Thư viện với hơn 500 câu chuyện

Với thư viện tích hợp 500 câu chuyện cùng với các trò chơi đọc-viết, trợ lý ảo Diya có thể đưa ra các đề xuất được cá nhân hóa dựa trên sự tiến bộ của mỗi người đọc. Các câu chuyện được phân loại dựa trên độ dài, độ khó và theo các chủ đề khác nhau.

Sau lần tải xuống đầu tiên, ứng dụng hoạt động mà không cần Wi-Fi và không tiêu thụ bất kỳ dữ liệu nào.


Ứng dụng Read Along được đánh giá rất tốt và được sử dụng trên khắp thế giới, với sự hỗ trợ cho 9 ngôn ngữ. Tuy hiện tại ứng dụng này chưa hỗ trợ việc đọc/viết bằng tiếng Việt, nhưng các học sinh đang chập chững bắt đầu học tiếng Anh có thể cải thiện phát âm đáng kể nhờ tính năng tuyệt vời của Read Along. Hạn chế duy nhất ở thời điểm hiện tại là Google’s Read Along hiện chỉ tương thích với các thiết bị Android.


3. Kahoot.com

Kahoot là một ứng dụng trên nền tảng web, dùng để thiết kế những câu hỏi trắc nghiệm trực tuyến và cho phép nhiều người tham gia trả lời câu hỏi trong cùng một thời điểm. Trong quá trình tham gia chơi, Kahoot sẽ thông báo kết quả trực tuyến để tăng độ hấp dẫn cho phần thi trắc nghiệm.


Về bản chất Kahoot là một website, vì vậy nó có thể sử dụng trên mọi thiết bị: máy tính để bàn, laptop, tablet, smartphone… miễn là thiết bị đó kết nối mạng Internet được.

Ưu điểm

  • Ứng dụng được nhiều loại hình ảnh, đoạn phim,… theo yêu cầu bài học.

  • Kho tài liệu phong phú sẵn có để giáo viên tham khảo và sử dụng

  • Kahoot có thể được gắn vào nhiều phần khác nhau của bài học.

Ví dụ 1: Áp dụng với mô hình lớp học đảo ngược (Flipped Classroom) để học sinh có thể đọc tài liệu từ ở nhà. Vào đầu buổi học, giáo viên có thể nhanh chóng đánh giá được mức độ hiểu bài của học sinh thông qua các câu hỏi trắc nghiệm để có thể bàn luận sâu hơn về chủ đề.


Ví dụ 2: Giáo viên có thể để vào phần cuối bài học nhằm kiểm tra kiến thức chung của cả lớp, hoặc câu hỏi nâng cao.

  • Kết quả (điểm) được tự động tính nhanh và chính xác. Mỗi câu trả lời sẽ được tính theo độ chính xác và tốc độ, giáo viên không cần phải chấm từng bài tập. Dữ liệu này có thể giúp giáo viên nhận ra được các học sinh cần hỗ trợ nhanh hơn.

Hạn chế

  • Yêu cầu thiết bị điện tử cho tất cả những người tham dự -> giáo viên có thể tách học sinh thành các nhóm, mỗi nhóm một thiết bị

  • Được thiết kế cho câu hỏi trắc nghiệm -> Đi cùng với các đặc điểm của câu hỏi này là tính chính xác cao với các câu hỏi có đáp án chính xác, nhưng không lấy lại được các câu trả lời mang tính sáng tạo từ học sinh.


4. Archy Learning

Trang chủ nền tảng Archy Learning

Archy Learning là một nền tảng eLearning được chuyển hóa thành mô hình trò chơi một cách đơn giản và trực quan. Giáo viên có thể chèn các liên kết YouTube và ghi chú trong lớp học vào một lộ trình bài giảng. Archy sử dụng mạnh mẽ chiến lược trò chơi hóa mặc dù trong khóa học là các câu đố, trò chơi điện tử giáo dục, các bài kiểm tra đa phương tiện và các chứng chỉ được trao sau khi các khóa học hoàn thành.


Tất cả các yếu tố trên được kết hợp trong Archy Learning để chuyển đổi giao diện người dùng (UI) của một khóa học trực tuyến thành một trò chơi tình huống. Điều này giúp giáo viên dễ dàng theo dõi sự tiến bộ của học sinh, đồng thời thúc đẩy học sinh xây dựng động lực học tập của mình.


5. Elucidat

Elucidat là một nền tảng dành cho các chuyên gia để cung cấp cho nhân viên quyền truy cập vào các modules đào tạo trên mọi thiết bị. Elucidat đi kèm với một thư viện template được tạo sẵn giúp ngay cả những tác giả mới làm quen cũng có thể dễ dàng sử dụng


Nền tảng này giúp các công ty lớn tăng tốc độ và hiệu quả khi đào tạo nhân viên ở quy mô lớn. Elucidat có một thư viện trung tâm, nghĩa là các đồng nghiệp có thể chia sẻ thông tin và các bài học giữa các phòng ban. Nền tảng này cũng giúp cho việc dịch nội dung và quy trình sang nhiều thứ tiếng khác nhau trở nên dễ dàng hơn, vì phần mềm có tính năng nhập/xuất văn bản đơn giản. Sau đó, người dùng có thể thực hiện các chỉnh sửa riêng biệt cho từng khóa học đã được dịch riêng lẻ bằng cách sử dụng trình quản lý riêng biệt cho từng khu vực.

Giáo dục qua trò chơi chỉ mới ở những bước đầu tiên!

Mặc dù chúng tôi ủng hộ phương pháp giáo dục qua trò chơi, chúng tôi cũng nhận ra rằng trò chơi không bao giờ được thay thế được việc giảng dạy truyền thống mà chỉ nên được sử dụng để hỗ trợ và nâng cao trải nghiệm học tập cho học sinh. Ngoài những ứng dụng và nền tảng được liệt kê ở trên, vẫn còn rất nhiều ví dụ khác trên thị trường: gồm các trò chơi giáo dục, ứng dụng, trang web, hệ thống quản lý học tập và phần mềm đào tạo. Để nghiên cứu thêm về thị trường trò chơi giáo dục, hãy tham khảo blog Gamify tại đây.


----

Bài viết được ban biên tập IEG Foundation tổng hợp và lược dịch từ những nguồn sau:

1 view0 comments
bottom of page