Hoạt động dạy học online
Khi so sánh với lớp học truyền thống (trực tiếp người với người), thì có lẽ các lớp học online sẽ khiến giáo viên bị hạn chế về mặt quan sát lớp học và tương tác trực tiếp về bài giảng. Bắt nguồn từ trở ngại này, cách thức tương tác phổ biến nhất hiện nay là giáo viên hỏi, học sinh trả lời qua màn hình.

Trong bài này, IEG Foundation xin gửi đến Quý bạn đọc các gợi ý về hoạt động trên lớp online, bắt đầu từng phần bằng những trở ngại thường gặp khi dạy học nhóm lớn trên môi trường trực tuyến:
Nỗi sợ cháy giáo án/ Nỗi lo các em không hiểu đủ bài học
Nỗi lo lớp học không được tương tác cao
Nỗi sợ học sinh chỉ lo...lướt web thay vì chú tâm lắng nghe bài học
1) Nỗi sợ cháy giáo án/ Nỗi lo các em không hiểu đủ bài học
Cách ứng phó dễ bắt gặp:
Đọc lý thuyết một chiều cho các em đến gần hết tiết học, với ưu tiên rằng “dịch bệnh thì dạy ứng phó, khi đi học lại sẽ ôn lại kỹ hơn cho các em”. Việc đọc một chiều như thế này rất dễ đẩy học sinh vào trạng thái “ì” - không chú ý lắng nghe, hoặc ngay khi tập trung cũng khó giữ được sự chú ý.
Hoặc: thầy cô cho bài tập và sửa bài theo lối học sinh đọc đáp án - thầy/cô sửa bài. Vốn bình thường, cách học đối phó của học sinh rất dễ bắt gặp, đặc biệt với những em có động lực học chưa cao. Nên, cách thức gọi đọc đáp án rất dễ tạo cho các em cảm giác “phòng vệ” lâu xuyên suốt lớp học, và chỉ đặc biệt chú tâm vào câu hỏi được hỏi.

Gợi ý hoạt động:
Giáo viên giới thiệu những ý chính của bài tại đầu buổi học, hoặc sau một khoảng thời gian nhất định (tùy vào thời lượng của lớp và độ dài/độ khó của bài). Với mỗi vùng kiến thức trọng điểm, sau khi giới thiệu ý chính cần ghi nhớ, ta có thể sử dụng thảo luận nhóm (bài này gợi ý sử dụng Google Slides cho hoạt động này):
Mỗi nhóm ghi câu trả lời vào 1-2 slide (giáo viên quy định sẵn số slide/nhóm - có thể linh động nếu các em cần thêm slide). Sau đấy, các nhóm luân phiên xem ý kiến của nhóm bạn, và có thể gõ trực tiếp vào slide của nhóm bạn các góp ý/ câu hỏi/ mở rộng ý tưởng của nhóm mình (sử dụng màu chữ khác).
Hoạt động này hoàn toàn phù hợp để ứng dụng phương pháp POGIL [1]: bạn "thư ký" chịu trách nhiệm gõ ý chính vào slide của nhóm, các bạn còn lại có thể sử dụng tính năng “bình luận” (comment) để xây dựng ý thêm với bạn. Hoặc, các em có thể sử dụng 1 slide làm “nháp” và 1 slide chính để trình bày đáp án cuối cùng. Thầy Cô chỉ cần lưu ý về mặt thời gian cho các em, và theo dõi các trao đổi của các em để kịp quan sát những điểm mà mặt bằng chung lớp chưa hiểu rõ.
Tại cuối buổi học, giáo viên có thể cho các nhóm gõ nhanh những ý chính mà các em nhớ được từ bài học vào slide của nhóm trong 2 phút. Sau đó, các nhóm luân phiên đọc các slide của các nhóm bạn và bổ sung; lúc này, chúng ta có thể yêu cầu 1-2 nhóm giải thích ý hiểu của các em về các ý được nêu trong slide của nhóm mình.
**[1]
Trích tư liệu tại hội thảo PEN (Pioneering Educators Network) 2019 do IEG Foundation kết hợp tổ chức cùng Đại học Fulbright Việt Nam (FUV)
Đọc bài viết đầy đủ về phương pháp dạy học POGIL: http://bit.ly/phuong-phap-day-hoc-POGIL
2) Nỗi lo lớp học không được tương tác cao:
Cách ứng phó dễ bắt gặp:
Giáo viên sử dụng thật nhiều các công cụ tương tác vào nhiều hoạt động. Ở một chừng mực vừa đủ, điều này sẽ giúp các em cảm thấy hứng thú với bài học hơn, nhưng lạm dụng các công cụ trong 01 tiết học online sẽ dễ đẩy các em vào trạng thái tư duy nhanh/tức thời để “kịp” tham gia trả lời nhanh (hoặc rất dễ…chép bài những em trả lời nhanh hơn), thay vì có thời gian chiêm nghiệm, suy nghĩ mở rộng về bài học.
Theo Simonson, Schlosser, và Orellana (2011) [2], trong việc dạy và học từ xa, thì 03 nhóm quan hệ quan trọng trong việc soạn giáo án và dạy học bao gồm:
(1) học sinh - nội dung
(2) học sinh - học sinh
(3) học sinh - giáo viên
Thế mạnh của việc dạy và học trực tuyến có lẽ nằm ở số lượng công cụ tương tác khổng lồ, cho phép ta linh động hơn trong việc lựa chọn công cụ để làm cho bài giảng có tính tương tác cao nhất có thể.
Tuy nhiên, cũng đứng trước chủ đề này, Simonson và cộng sự (2011) đã chỉ ra rằng: chất lượng của hoạt động có sử dụng công cụ online phải đảm bảo rằng học sinh có tham gia tương tác tích cực với ít nhất 1 trong 3 yếu tố: nội dung/ bạn cùng lớp/ giáo viên - thay vì lạm dụng sự đa dạng của các công cụ nhưng học sinh không học được nhiều.
Ngắn gọn lại, khi soạn giáo án và “đứng” lớp trong các lớp học trực tuyến, giáo viên nên tự hỏi:
1/ Học sinh sẽ học được gì từ hoạt động này?
2/ Để đạt được điều đó, công cụ tương tác này nên được sử dụng ra sao?

Gợi ý hoạt động:
Sử dụng các hoạt động viết, ví dụ:
- Viết tự do (free writing) vào đầu hoặc cuối buổi học;
- Viết có chủ đề (focused writing) trong 2-3 phút theo từng chủ đề;
- Viết chiêm nghiệm (reflection) về bài học tại cuối buổi học.
**Các mô tả chi tiết hơn về từng hoạt động viết được tổng hợp trong tài liệu hội thảo PEN (Pioneering Educators Network) 2019 [3], các Quý bạn đọc quan tâm cũng hoàn toàn có thể tra cứu thêm.
Chúng ta hoàn toàn có thể linh động kết hợp việc viết cá nhân và viết theo nhóm/theo cặp, với độ khó của chủ đề viết phụ thuộc vào việc ta muốn học sinh hình thành kỹ năng gì/ khắc sâu thêm vùng kiến thức nào.
Hoạt động viết sẽ cho các em 01 đoạn thời gian ngắn để kéo sự chú ý vào bài, và giúp cho giáo viên “xem lướt” được những vùng kiến thức nào đã được cả lớp nắm bắt kỹ, phần nào cần được giải thích thêm.
Đối với các môn học như Toán/ Lý/ Hóa/ Sinh, chúng ta có thể cho các câu đố để thi đua giữa các nhóm (mỗi nhóm tự “nháp” vào slide riêng/khung chat riêng của nhóm, và cử 01 bạn đại diện nhóm để “gõ” đáp án vào phần chat chung của lớp - giáo viên có thể linh động về cách thức cho điểm).
- Mức độ các câu đố có thể dao động, ví dụ:
+ Câu 1 ở mức “ráp công thức” cơ bản/ thông tin cơ bản trong bài (yêu cầu học sinh giải thích trước lớp nếu cần)
+ Câu 2 thì đánh đố hơn (buộc các em phải bàn bạc với nhau - đây là lúc các em được hình thành tư duy, tổng hợp kiến thức từ bài học)
+ Câu 3 sẽ mang tính ứng dụng thực tiễn hơn (ví dụ: phép Toán này có thể được sử dụng trong trường hợp nào trong cuộc sống? Phản ứng hóa học này có thể xuất hiện giữa các loại thực phẩm nào?).
Việc thi đua giữa các nhóm cũng là một cách để các em sôi nổi hơn nhưng vẫn đảm bảo rằng những em thuộc tuýp “im lặng” có thể thoải mái tham gia cùng các bạn (những câu đố yêu cầu bàn bạc, suy nghĩ sâu hơn có thể sẽ là thế mạnh của các em này).
**[2] Simonson, M., Schlosser, C., & Orellana, A. (2011). Distance education research: A review of the literature. Journal of Computing in Higher Education, 23(2–3), 124–142. https://doi.org/10.1007/s12528-011-9045-8
**[3] Tài liệu tổng hợp từ hội thảo PEN 2019 do IEG Foundation kết hợp tổ chức cùng Đại học Fulbright Việt Nam (FUV).
3) Nỗi sợ học sinh chỉ lo...lướt web thay vì chú tâm lắng nghe bài học
Cách ứng phó dễ bắt gặp:
Tương tự như nỗi lo cháy giáo án (phần 1), khi đối mặt với nỗi lo này, nhiều giáo viên chọn cách đọc bài đến hết giờ, hoặc liên tục đặt câu hỏi và gọi học sinh trả lời bất chợt.
Việc chúng ta sợ các em không chú tâm vào bài học (trong đó, lướt web chỉ là 1 trong số rất nhiều loại xao nhãng khi học online) là hoàn toàn có cơ sở: sợ rằng các em bị hổng kiến thức. Tuy nhiên, cách chúng ta đối mặt với lo sợ này liệu có đang thúc đẩy việc học của các em hay chỉ củng cố thêm bất an của ta?
Như đã đề cập trong phần 2 ở trên, 03 nhóm quan hệ quan trọng trong việc soạn giáo án và dạy học online (theo Simonson, Schlosser, và Orellana (2011) [2]) bao gồm:
(1) học sinh - nội dung