Biển lớn khai phóng đi không hề dễ
(*Bài viết là chia sẻ của TS. Nguyễn Chí Hiếu)
Đại học và du học, trong cách nghĩ rất hồn nhiên của nhiều học sinh, như là một bước kế tiếp của thời phổ thông. Chúng không hiểu rằng ngoài đó là một thế giới hoàn toàn khác, là cái dịp để chúng bứt phá ra khỏi một hệ tư tưởng chật hẹp đã kìm kẹp chúng trong ngần ấy năm.
*Đọc thêm: Đại học khai phóng là gì? Học gì ở đấy?
Giở tung tấm rèm đại học
Đại học khai phóng có sứ mệnh bắc cầu để sinh viên tiếp cận với các vĩ nhân, những tư duy lớn của thế giới xưa và nay, để từ đó bật lửa cho những thiên tài đang ngủ và thổi lửa cho cả sức tưởng tượng, sáng tạo của mỗi sinh viên. Giáo dục khai phóng hun đúc năng lực vượt qua giới hạn, vượt qua rào cản của sự vô tri, khuôn mẫu và tự phụ.
Thay vì bày ra những kịch bản sắp đặt quá chặt chẽ với những chuẩn mực phải răm rắp làm theo, giáo dục khai phóng ở bậc đại học giúp cho sinh viên khám phá và làm chủ mọi cơ hội để đi tìm đam mê, ý nghĩa và mục đích trong công việc và cuộc đời. Đó là những triết lý tích lũy, lắng đọng qua hàng trăm năm của giáo dục khai phóng ở nhiều nền giáo dục, đặc biệt là giáo dục Mỹ.
Thế nhưng, trong cuốn sách Excellent Sheep (tạm dịch: Những con cừu xuất sắc), viết về “vấn nạn” của nhiều sinh viên tại các trường đại học hàng đầu nước Mỹ, William Deresiewicz, cựu giám đốc tuyển sinh của Đại học Yale, đã bộc bạch:
Các trường đại học hàng đầu nước Mỹ đang biến sinh viên thành những zombies (xác sống).
Còn trong cuốn Academically Adrift (tạm dịch: Lạc trôi đại học), giáo sư Richard Arum đã mổ xẻ cách học và đo lường hiệu quả học tập của sinh viên ở hàng loạt trường đại học Mỹ. Nghiên cứu của ông đã chỉ ra: một bộ phận lớn trong sinh viên chẳng cải thiện mấy ở những kỹ năng quan trọng như tư duy phản biện, viết lập luận phân tích sau bốn năm đại học, ngay cả ở những trường danh giá.