top of page

10 Nghiên cứu Giáo dục Ấn tượng năm 2020

Thật không nói quá khi chúng ta gọi năm 2020 là một năm đầy biến động.

Với những chuyển biến khôn lường của đại dịch, thầy cô cố gắng gồng mình thay đổi khi thế giới thay đổi. Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu cũng hết mình hỗ trợ trong việc tìm hiểu và đánh giá những phương pháp nào ưu việt, và phương pháp nào đang thất bại trong việc truyền cảm hứng học tập cho học sinh ở môi trường học trực tuyến.


Ban biên tập Edutopia đã xem xét hàng trăm nghiên cứu giáo dục được xuất bản trong năm 2020 và tổng kết được 10 nghiên cứu quan trọng nhất — trải rộng từ học tập trực tuyến đến cuộc chiến tranh đọc và sự suy thoái của các bài kiểm tra chuẩn hóa.


1. HÃY ĐỂ CÁC CON HỌC TỪ VỰNG QUA DIỄN XUẤT

Khi học sinh học một ngôn ngữ mới, thầy cô hãy cho các con diễn lại những từ ấy. Ngoài việc tạo ra hứng thú ngay khi trẻ vào vai diễn, điều này còn giúp con tăng khả năng ghi nhớ lên gần gấp đôi nhiều tháng sau đó, theo một báo cáo vào năm 2020.


Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu một số học sinh 8 tuổi nghe một vài từ tiếng nước ngoài và mô tả lại bằng tay và các bộ phận cơ thể mình - như dang rộng cánh tay và giả vờ bay khi học từ “flugzeug” trong tiếng Đức, có nghĩa là “máy bay”.

Sau hai tháng, những diễn viên nhí này có khả năng ghi nhớ từ mới cao hơn tới 73% so với những học sinh chỉ nghe mà không có hành động kèm theo.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra kết quả tương tự, dù không ấn tượng bằng, khi học sinh vừa xem tranh vừa nghe từ vựng tương ứng.


Đây là một lời nhắc nhở nho nhỏ với thầy cô rằng nếu ta muốn học sinh ghi nhớ điều gì đó, hãy khuyến khích các con tìm hiểu bằng nhiều cách khác nhau. Thầy cô có thể hướng dẫn các con vẽ tranh, diễn xuất hoặc ghép định nghĩa với các hình ảnh liên quan chẳng hạn!


2. ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC CỦA VIỆC VIẾT TAY ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN NÃO BỘ

Vào năm 2012, các bản chụp quét não bộ của những đứa trẻ chưa biết chữ đã cho thấy rằng khi trẻ viết tay các chữ cái và cố gắng đọc chúng, những mạch điện trong não kết nối với chức năng đọc trở nên nhấp nháy một cách sống động. Hiệu ứng này gần như biến mất khi các chữ cái được đánh máy (typed).


Bất chấp rằng viết tay đang dần trở nên ít phổ biến hơn trong môi trường học tập, một nhóm các nhà khoa học thần kinh đã nghiên cứu về phản ứng não bộ của học sinh lớp 7 khi các con lần lượt viết tay, vẽ và đánh máy các từ. Kết quả cho thấy rằng:

Khi học sinh viết tay và vẽ phác thảo, não bộ của các con tạo ra các phản ứng thần kinh kể chuyện (telltale neural tracings) biểu thị cho việc học sâu hơn và tiếp thu tốt hơn.

Các nhà nghiên cứu giải thích rõ hơn rằng Bộ não của trẻ nhỏ được kích thích khi các con học tập qua các chuyển động tự tạo. Phản ứng của não bộ trở nên rõ rệt hơn khi các con vẽ và viết tay, thay vì đánh máy.


Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu mọi trường học trên thế giới cố gắng thay thế đánh máy bằng viết tay, vì tất cả học sinh đều cần phát triển năng lực kỹ thuật số. Việc ghi chép bằng tay khiến nhiều trẻ mắc chứng khó học gặp trở ngại khi các con không đọc được chữ viết tay của mình. Khi đó, sử dụng công nghệ để ghi chép giúp các con học bài hiệu quả hơn, và đồng thời hỗ trợ con “sử dụng thời gian cho những việc khác mà con có năng khiếu”, - Trung tâm nghiên cứu Chứng khó đọc và Sáng tạo, Đại học Yale phát biểu.


3. BÀI KIỂM TRA ACT LIỆU CÓ GIÚP CON SẴN SÀNG TRƯỚC NGƯỠNG CỬA ĐẠI HỌC?

Một báo cáo năm 2020 cho thấy điểm thi ACT, thường là yếu tố quan trọng trong việc tuyển sinh đại học, gần như không có mối liên hệ với mức độ thành công của học sinh khi học đại học. Những học sinh có điểm ACT rất cao – nhưng có điểm số bình thường trong 3 năm cấp 3- thường trượt dài và bị nuốt chửng bởi sự khắc nghiệt trong chương trình học tập của các trường.


Năm ngoái, kỳ thi SAT — một kì thi chuẩn hóa tương tự như ACT — cũng bị nhiều nhà giáo dục nghi ngờ về tính hiệu quả. Một báo cáo năm 2019 với gần 50.000 học sinh, được tiến hành bởi nhà nghiên cứu Brian Galla và Angela Duckworth, đã đưa ra kết luận rằng điểm trung bình (GPA) cấp trung học phổ thông là yếu tố dự đoán chuẩn xác về chỉ số tốt nghiệp đại học, hơn nhiều so với điểm SAT.


Nguyên nhân ở đây là gì?

Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng điểm số trung học đại diện cho nhiều kỹ năng quan trọng như tính kiên trì, quản lý thời gian và khả năng tránh bị phân tâm.

Đây mới là những kỹ năng giúp các con thành công khi vươn ra biển lớn ở bậc đại học, chứ không phải việc liên tục luyện đề thi chuẩn hóa.


4. SỬ DỤNG RUBRIC KHI CHẤM ĐIỂM GIÚP GIẢM THIỂU THIÊN VỊ CHỦNG TỘC

Một nghiên cứu mới cho thấy rằng: Khi giáo viên nêu rõ các tiêu chuẩn trước khi bắt đầu chấm điểm và thường xuyên tham khảo rubric này trong quá trình đánh giá, họ sẽ bớt bị ảnh hưởng bởi thành kiến ngầm (implicit bias) hơn trong việc chấm điểm.


Vào năm 2020, hơn 1.500 giáo viên trong nghiên cứu này đã được yêu cầu chấm điểm một vài bài văn mẫu của những học sinh lớp hai. Tất cả các câu chuyện đều giống hệt nhau về nội dung — nhưng trong một bài văn, học sinh A kể câu chuyện về một thành viên trong gia đình tên là Dashawn, trong khi bài của học sinh B nói về người anh tên là Connor. (Dashawn là một cái tên phổ biến đối với cộng đồng người da màu ở Mỹ, trong khi Connor là tên gốc Anh và phổ biến trong cộng đồng người da trắng).


Không hề khó hiểu khi kết quả của nghiên cứu kết luận rằng: giáo viên có khả năng chấm điểm cho bài thi B cao hơn 13% so với bài thi A, cho thấy những lợi thế vô hình mà nhiều học sinh da trắng vô tình được hưởng lợi.


Khi các tiêu chí chấm điểm không được định nghĩa rõ ràng, định kiến ​​ngầm (implicit stereotypes) của giáo viên về hoàn cảnh xã hội, tôn giáo và chủng tộc của học sinh có thể ngấm ngầm "điền vào chỗ trống”.

Sự chênh lệch về điểm số và định kiến gần như bị loại bỏ hoàn toàn khi thầy cô có bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá bài tập (grading rubric).

Bộ tiêu chí phải có những yếu tố được định nghĩa rõ ràng, ví dụ như học sinh có “kể lại sự kiện A”, “phân tích sự kiện B”, “đưa ra đáp án, hướng giải quyết C” hay không.


5. Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG: KHI BÌNH ĐẲNG KHÔNG DỪNG LẠI Ở CÁNH CỬA TRƯỜNG HỌC

Khi một số nhà máy nhiệt điện than ở Chicago phải đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng ít trẻ em phải đến phòng cấp cứu nhi khoa vì bệnh hô hấp và hen suyễn hơn so với cùng thời điểm hàng năm. Từ đó, họ đưa ra tuyên bố rằng: tỷ lệ học sinh vắng mặt đã giảm xuống hơn 7% so với cùng kì mỗi năm. Được công bố trong một nghiên cứu năm 2020 từ Duke và Penn State, phát hiện đáng kinh ngạc này khẳng định vai trò quan trọng của các yếu tố môi trường — như chất lượng không khí, tỉ lệ tội phạm ở khu vực và ô nhiễm tiếng ồn — trong việc giúp con cái chúng ta lớn lên khỏe mạnh và sẵn sàng cho việc học.


Nếu ta nhìn vào bức tranh toàn cảnh, vấn nạn về ô nhiễm môi trường lớn hơn ta tưởng tượng rất nhiều. Khoảng 2,3 triệu trẻ em ở Hoa Kỳ vẫn đang theo học tại một trường tiểu học hoặc trung học cơ sở công lập cách nhà máy nhiệt điện than trong bán kính 10 km.

Nghiên cứu này nhắc nhở chúng ta rằng những vấn đề nhức nhối về bình đẳng trong giáo dục không bắt đầu và kết thúc ở ngưỡng cửa nhà trường.

Khoảng cách trong thành tích (achievement gap) đang được giới học thuật quan tâm trong những năm gần đây thực chất chính là khoảng cách trong sự bình đẳng (equity), và điều này xuất hiện từ những năm đầu đời của trẻ. Vì vậy, các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng chúng ta sẽ không bao giờ có được sự bình đẳng trong trường học cho đến khi chúng ta dám thẳng thắn đối mặt với sự bất công đang làm xói mòn đất nước, thành phố, hay khu dân cư mà ta đang sống.


6. ĐỂ HỌC TỐT, HÃY HỎI NHỮNG CÂU HỎI TỐT

Một số phương pháp học phổ biến nhất — bao gồm đánh dấu các đoạn văn, đọc lại ghi chép và gạch chân các câu quan trọng — lại chính là những phương pháp kém hiệu quả nhất. Nhận thức được tầm quan trọng của việc tìm ra giải pháp thay thế, một nghiên cứu năm 2020 đã đưa ra một giải pháp mang tính thiết thực: Yêu cầu học sinh đặt ra các câu hỏi về việc học của mình và thúc đẩy con đặt nhiều câu hỏi bậc cao, mang tính chất phân tích hơn.

Trong báo cáo này, những học sinh tích cực đặt câu hỏi nhận được điểm cao hơn tới 14% so với những học sinh sử dụng các phương pháp thụ động như đọc lại ghi chú và nghiên cứu tài liệu trên lớp.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc đặt câu hỏi không chỉ khuyến khích học sinh suy nghĩ sâu hơn mà còn củng cố khả năng ghi nhớ kiến thức về những chủ đề mà các con quan tâm.


Có nhiều cách hấp dẫn để thầy cô yêu cầu học sinh đặt những câu hỏi mang tính hiệu quả cao. Ví dụ, khi lên kế hoạch cho bài kiểm tra cuối năm, thầy cô có thể yêu cầu các con tự gửi câu hỏi – như một cách giúp các con đồng thiết kế bài kiểm tra của mình. Ngoài ra, thầy cô cũng có thể sử dụng trò chơi Jeopardy! làm nền tảng cho các câu hỏi do sinh viên tạo.


* Jeopardy! là một chương trình đố vui kiến thức với các câu đố trong chủ đề lịch sử, văn học, nghệ thuật, văn hóa đại chúng, khoa học, thể thao, địa lý, etc. Tuy nhiên, chương trình này khác với những chương trình hỏi đáp truyền thống vì nó đưa sẵn cho người chơi các câu trả lời và người chơi phải tự đặt câu hỏi.


7. NGHIÊN CỨU GIÚP CHẤM DỨT “CUỘC CHIẾN ĐỌC SÁCH” Ở MỸ


Một trong những chương trình đọc được sử dụng rộng rãi nhất nước Mỹ đã bị giáng một đòn nặng nề khi một hội đồng chuyên gia về đọc kết luận rằng nó “không có khả năng dẫn đến thành công trong việc biết chữ đối với tất cả học sinh trực thuộc trường công của Mỹ”.


Các chuyên gia phát hiện ra rằng chương trình gây tranh cãi "Units of Study", được phát triển trong suốt bốn thập kỷ bởi Lucy Calkins thuộc Dự án Đọc và Viết của Teachers College - đã thất bại trong việc dạy cho học sinh nhỏ tuổi cách giải mã và mã hóa các từ viết.


Các phương pháp dạy đọc phổ biến ở Mỹ thường chú trọng hoặc (1) dạy ngữ âm, hoặc (2) sử dụng các nguồn thông tin và ngữ cảnh để dự đoán nghĩa của từ mới. “Units of Study” tập trung vào chiến lược số (2), và có phần giảm tải tầm quan trọng của ngữ âm. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu kết luận rằng phương pháp này, còn được biết như “phương pháp đọc viết cân đối”, không có hiệu quả trong việc dạy các học sinh nhỏ tuổi đọc hiểu.


Qua dữ liệu mà nhà xuất bản APM thu được, người sáng lập ra chương trình đọc này, bà Calkins đồng ý rằng kể cả phương pháp “đọc viết cân đối” cũng cần một số điều chỉnh để có thể tái cân bằng.


8. BÍ QUYẾT ĐỂ LỚP HỌC TRỰC TUYẾN HIỆU QUẢ CAO


Năm 2020, một nhóm nghiên cứu sinh tại Đại học Bang Georgia đã xuất bản báo cáo về các phương pháp học tập trực tuyến hay nhất. Mặc dù chúng ta chưa có nhiều bằng chứng hàn lâm ở lĩnh vực này, nghiên cứu cho thấy rằng:

Những vấn đề hậu cần như cách truy cập tài liệu học tập — chứ không phải các vấn đề nội dung như học không hiểu— thường là một trong những trở ngại lớn nhất đối với việc học trực tuyến.

Nói cách khác, không phải học sinh không hiểu về quang hợp khi học trực tuyến— mà là các con không tìm thấy (hoặc đơn giản là không truy cập được) bài học về quang hợp trên mạng.


Kết luận này đồng tình với một nghiên cứu năm 2019 rằng chúng ta cần nhấn mạnh nhu cầu thiết yếu của việc tổ chức các lớp học trực tuyến hơn các lớp học trực tiếp. Giáo viên giảng dạy trực tuyến nên sử dụng một nền tảng công nghệ duy nhất để quản lý tài liệu quan trọng như bài tập về nhà; đơn giản hóa thông tin liên lạc và ghi nhớ qua email hoặc văn bản; và giảm bớt những yếu tố gây phân tâm thị giác (phông chữ khó đọc và trang trí không cần thiết) trong không gian học trực tuyến.


Vì công cụ dạy và học trực tuyến này còn mới, chúng ta cần lấy phản hồi của học sinh về khả năng tiếp cận và tính năng sử dụng. Giáo viên nên đăng các bản khảo sát đơn giản với những câu hỏi như “Con có gặp sự cố kỹ thuật nào không?” và “Con có thể dễ dàng xác định vị trí bài tập của mình không?” để đảm bảo rằng học sinh có một trải nghiệm học tập trực tuyến trơn tru.


9. CON THÍCH HỌC NGÔN NGỮ? VẬY HÃY THỬ HỌC LẬP TRÌNH XEM SAO?


Lập trình có sự tương đồng với việc học ngôn ngữ, ví dụ như tiếng Trung hoặc tiếng Tây Ban Nha, hơn là học toán. Phát hiện của nghiên cứu năm 2020 này giúp ta hiểu hơn về những yếu tố tạo nên một lập trình viên giỏi.


Để thực hiện nghiên cứu này, những người trẻ chưa có kinh nghiệm lập trình được yêu cầu học Python, một ngôn ngữ lập trình phổ biến. Sau đó họ thực hiện các bài kiểm tra toán học, ngôn ngữ, và đánh giá kỹ năng giải quyết vấn đề. Qua thí nghiệm này, họ phát hiện ra rằng:

Kỹ năng toán học chỉ chiếm 2% khả năng lập trình của một người, trong khi kỹ năng ngôn ngữ có khả năng dự đoán cao hơn gần 9 lần, chiếm 17% khả năng lập trình.

Đây là một phát hiện quan trọng bởi hầu như các lớp học về lập trình luôn yêu cầu học viên phải học qua một vài môn toán cao cấp. Điều này góp phần ngăn cản nhiều học sinh không có hứng thú với toán học tham gia vào lĩnh vực này.


10. TÍNH ỨNG DỤNG CỦA NHỮNG BÀI TẬP ĐỌC NHƯ ‘TÌM Ý TƯỞNG CHÍNH’

Một nghiên cứu của Viện Fordham năm 2020 tuyên bố rằng: “Hiểu về nội dung mới là hiểu biết.” Lời tuyên bố này cho thấy quan điểm của viện nghiên cứu trong cuộc tranh luận giữa việc dạy học sinh hiểu kỹ năng đọc, với dạy học sinh về nội dung bài đọc.


Học sinh tiểu học thường dành rất nhiều thời gian để luyện tập các kỹ năng đọc qua việc “tìm ý tưởng chính” và “tóm tắt”. Những bài tập này củng cố cho quan điểm rằng đọc là một kỹ năng độc lập, vì thế có thể được rèn luyện và chuyển tải giữa các lĩnh vực khác nhau. Tuy vậy qua những bài tập kiểu này, những độc giả nhỏ tuổi không được hưởng lợi từ những lợi ích khác của việc đọc mà những nhà giáo dục mong chờ.


Vậy chung quy lại, chúng ta phải dạy các con đọc như thế nào? Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về thời gian các con học các môn toán, xã hội và tiếng Anh từ hơn 18,000 học sinh tiểu học. Họ phát hiện ra rằng “việc học các môn xã hội có ảnh hưởng rõ ràng, tích cực, và mang ý nghĩa thống kê nhất với cải thiện việc đọc ở học sinh cấp 1.”

Do đó, khi học sinh được tiếp xúc với nội dung phong phú của các môn dân sự, lịch sử và luật pháp, các con học đọc hiệu quả hơn nhiều so với cách dạy kỹ năng đọc truyền thống.

Quan điểm của Fordham về chuyện dạy và học đọc đang dần trở nên phổ biến hơn— và quan điểm này không chỉ giới hạn với những môn xã hội. Natalie Wexler, tác giả cuốn sách The Knowledge Gap, phát biểu rằng:


“Học sinh nào có nhiều kiến thức nền tảng hơn thường có khả năng đọc hiểu bất cứ đoạn văn, bài văn nào mà các con được gặp. Các con có khả năng truy lục từ trong bộ nhớ dài hạn của mình những kiến thức về các chủ đề đa dạng. Từ đó, bộ nhớ vận hành không phải hoạt động hết công suất, giúp các con dành thời gian lĩnh hội kiến thức mới hiệu quả hơn.”

1 view0 comments
bottom of page