Một trong những yêu cầu đặc thù của giáo dục khai phóng là ngoại ngữ. Hầu hết sinh viên đều phải chọn một số lớp ngoại ngữ, hoặc một số khoá học văn hoá, lịch sử, xã hội của một quốc gia và học bằng tiếng bản địa. Nhiều ý kiến cho rằng những lớp ngoại ngữ không có ích gì, vì hầu như ai cũng nói được tiếng Anh, không thì đã có các công cụ hỗ trợ ngôn ngữ như Google hay các dịch vụ dịch thuật khác. Tuy nhiên, có đúng là học ngoại ngữ trong chương trình giáo dục khai phóng, đặc biệt là những khoá học chỉ vỏn vẹn một, hai học kỳ, là lãng phí thời gian? Các bài viết sau đây sẽ giới thiệu một số góc nhiều về ngoại ngữ tại đại học khai phóng.
Tôi tốt nghiệp ngành Giảng dạy Ngôn ngữ. Từ một cái tên đầy tính thực tiễn như vậy, có lẽ ít ai nghĩ, cái tôi học ở trường đại học lại vô cùng gần gũi với mảng giáo dục khai phóng. Thời đại học, ngoài việc học về lí thuyết giảng dạy, tôi cắm đầu nghiên cứu ngôn ngữ học: phát âm ra sao, phiên âm ra thì sẽ dùng kí hiệu nào, v.v. Hết giờ, tôi lẻn vào cuối lớp Bản sắc và Văn hoá Mỹ, Vấn đề Xã hội Mỹ, hay Lịch sử nước Mỹ. Chúng tôi dành cả buổi học 4 tiếng chỉ để tranh luận xem Amy Chua (tác giả cuốn ‘Khúc Chiến ca Mẹ Hổ’ từng đình đám một thời ở Việt Nam giai đoạn 2012- 2013) là phụ nữ theo khuôn mẫu Á hay Âu Mỹ.
Ra trường gần 7 năm, tôi không nhớ gì nhiều nội dung những buổi học; chỉ nhớ rằng sau nhiều năm làm việc, những kỹ năng tôi học được từ giảng đường, từ những giờ học tưởng chừng vô bổ đó, là vô vàn.
Từ tiếng Anh, tôi nắm bắt quy luật ngữ pháp và phát âm khi học một ngôn ngữ mới. Kết quả là tôi lấy được chứng chỉ năng lực Nhật ngữ cao nhất (N1) chỉ sau một năm học tiếng Nhật, và chứng chỉ tiếng Pháp DELF B1 chỉ sau 6 tháng học tiếng Pháp.
Nói thế không có nghĩa là tôi không phải đánh đổi gì. Sau thời điểm ra trường, nhiều bạn bè đã nhanh chóng có thu nhập cao chót vót trong những lĩnh vực đáng ganh tị: Quản lý bộ phận marketing, Kỹ sư công nghệ, Kỹ sư công trình, những cái tên chỉ nghe qua thôi, đã thấy không bao giờ hết việc. Còn tôi, trong khoảng thời gian đó, thay vì kiếm tiền lại tiêu tiền vào những đầu sách và những giờ học miệt mài trong những góc cafe nhỏ lọt thỏm trong con hẻm đường Đinh Tiên Hoàng. Thế nhưng nếu hỏi có dám đánh đổi những thứ tiếng tôi đang nói, những đầu sách viết bằng thứ ngôn ngữ xa lạ, những người bạn nước ngoài thiết thân đã ngồi cạnh giường bệnh khi tôi đang nằm viện vì suy thận để có những bằng cấp chuyên môn đó không, thì tôi đã có sẵn một câu trả lời.
Nguyễn Thành Luân
Thạc sĩ ngành Khoa học phát triển, Đại học Waseda (Nhật Bản)
* * *
Là công dân đảo quốc Singapore, tôi chưa một lần gắng gượng để mọi người hiểu ý hoặc chấp nhận mình (người Hoa chiếm hơn 75% dân số Singapore). Tôi cũng chưa một lần kinh qua xúc cảm và bản sắc một công dân thiểu số, về ngôn ngữ lẫn văn hoá - ít nhất là cho đến thời điểm tôi đến Nhật năm 2016. Vật lộn với bản sắc ‘kẻ ngoại bang’ của mình ở thủ đô của một quốc gia đồng chủng, tôi thấy mình sao nhỏ bé, nhưng đến cuối hành trình, tôi nhận ra mình chưa bao giờ vững vàng hơn thế.
Ngày mới nhập học, tôi dặn mình phải kết giao bạn hữu, rồi nhanh chóng tích luỹ vốn tiếng Nhật của mình. May mắn thay, tôi có được vô vàn cơ hội học tiếng, cũng như giao tiếp với sinh viên bản xứ. Học kì đầu tiên ở Đại học Waseda, tôi tham gia chương trình Trao đổi Ngôn ngữ và được ghép với hai sinh viên Nhật. Chúng tôi kết thân trong tích tắc bởi một trong hai đã từng sống nhiều năm ở Singapore. Chúng tôi hăm hở tham gia nhiều hoạt động khác của trung tâm, như cái lần chạy marathon quanh Điện Hoàng gia. Cuối học kì, nhân chuyến dã ngoại đến Kawagoe, tôi dạy các bạn Singlish, kết quả là không chỉ vốn tiếng Nhật của tôi nâng cao, tôi còn có những chuỗi ngày vô cùng đáng nhớ.
Ảnh: Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản
Rồi để thử thách mình, tôi quyết định đăng kí kì thi Năng lực Nhật ngữ năm 2018. Dù có học một vài khoá tiếng Nhật tại Waseda, tôi không hề tự tin mình sẽ đậu. Thế nhưng, với hỗ trợ về tinh thần và kiến thức từ bạn bè, tôi đã làm được điều không tưởng!
Thế, và tôi trở nên tự tin hơn, rồi cũng dạn dĩ hơn trong giao tiếp với người bản xứ. Bỏ túi sự dạn dĩ đó, tôi tham gia Japan Tent, chương trình trao đổi giữa sinh viên quốc tế và các gia đình host ở tỉnh Ishikawa. Chưa bao giờ tôi thôi nghĩ rằng mình đã may mắn đến nhường nào khi được xếp vào một gia đình nơi họ xem tôi như người con trong nhà. Họ tặng quà sinh nhật và mừng tốt nghiệp, rồi còn đến tận Tokyo hai lần để thăm tôi. Tôi nhớ từng tự hỏi mình rằng, mình đã làm gì mà được thương yêu đến ngần này. Đến giờ, tôi vẫn còn giữ liên lạc với gia đình nhà host này.
Điều kì diệu nhất khi học ngoại ngữ chính là việc chúng mở cho ta những cánh cửa ta đôi khi không hề hay biết: ý thức hệ mới, mối quan hệ mới, và cách nhìn nhận mới về bản thân mình. Và bạn biết không, có ngoại ngữ, bốn biển là nhà.
Josephine Lee
Cử nhân khoa học xã hội (giáo dục khai phóng), ĐH Quốc gia Singapore
Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế, Đại học Waseda, Nhật Bản
Học giả Chính phủ Nhật Bản (MEXT)
Đã làm việc tại Uỷ ban Kinh tế và Xã hội cho khu vực châu Á Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc
Hiện đang công tác tại Ủy ban Điều phối An ninh Quốc gia Singapore
----------
Biên tập bởi đội ngũ IEG Foundation
Comentários