top of page

Học ngoại ngữ bắt buộc ở Đại học khai phóng có ích lợi gì?


Sơ lược về Giáo dục khai phóng ở bậc đại học: Mô hình giáo dục yêu cầu sinh viên tìm hiểu nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau trước khi định hướng chuyên môn hoá.




Đứng trước hai luồng ý kiến trái chiều về tính hiệu quả của đại học khai phóng, những người theo học mô hình đại học này thực sự được gì và mất gì?

Giữa vô vàn các giá trị vô hình mà thiết yếu, ngoại ngữ là một điểm nổi bật mà rất nhiều sinh viên theo học tại các trường đại học khai phóng cảm thấy tự hào về. Bài viết này xin gửi đến bạn đọc góc nhìn từ 02 "người trong cuộc".


 

#1 - Tinh thần tự học và kỹ năng học ngoại ngữ có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực


Việc chọn một ngoại ngữ bất kỳ và học trong vòng 1-2 học kỳ là điều thường thấy ở các đại học khai phóng. Điều này liệu có cần thiết không - khi mà tiếng Anh đang dần trở thành “ngôn ngữ thứ 2” của không ít người, và các công cụ hỗ trợ ngôn ngữ như Google Translate ngày càng thông dụng?


Một chút sơ lược về câu chuyện của bản thân tôi - 7 năm trước, tôi tốt nghiệp ngành Giảng dạy Ngôn ngữ (tiếng Anh). Bạn có thể thắc mắc:

Nhưng đây là ngành học cụ thể, chứ đâu phải mô hình giáo dục khai phóng?

Tuy nhiên, cách vận hành của ngành học này lại rất giống với mô hình giáo dục khai phóng: đề cao tinh thần tự học và tự mày mò nghiên cứu sau những giờ học chính quy.


Những giờ tự học đào sâu, mày mò về cách phát âm, các quy luật của tiếng Anh đã giúp tôi hình thành những kỹ năng và phản xạ cần thiết khi học một ngôn ngữ mới: sau một năm lấy được N1 - chứng chỉ Nhật ngữ cao nhất, và sau 6 tháng lấy được chứng chỉ tiếng Pháp DELF B1.




“Gia tài” mà tôi có được nhờ vào tinh thần học tập của giáo dục khai phóng - vốn ngôn ngữ, lượng kiến thức, và những người bạn thân đến từ tứ xứ sẵn sàng ở bên khi tôi bị suy thận - là những điều mà tôi không bao giờ đánh đổi để sớm có một cuộc sống thu nhập ổn định hơn.


Có lẽ tới đây, bạn sẽ vẫn nghĩ rằng “nhưng đó vẫn không phải mô hình giáo dục khai phóng”. Và vì thế, những giá trị về tinh thần tự học và các kỹ năng học ngoại ngữ mà tôi kể trên có thể sẽ không đủ để thuyết phục bạn về những gì sinh viên có thể có được khi theo học giáo dục khai phóng.


Do đó, góc nhìn từ một người bạn Singapore về việc học ngoại ngữ tại một môi trường giáo dục khai phóng trong mục [2] dưới đây sẽ cung cấp thêm chiều sâu về cùng chủ đề đến Quý độc giả.


Tác giả:

Nguyễn Thành Luân - IEG Foundation



#2 - “Có ngoại ngữ, bốn biển là nhà”


Năm 2016 là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi - tôi sang Nhật đi học. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy mình nhỏ bé trước mọi thứ. “Kẻ ngoại bang” ở một quốc gia đồng chủng - đó là cảm giác ôm ngợp lấy tôi vào những ngày đầu ở Đại học Waseda (Tokyo).


Có thể gọi một nơi là “nhà” khi ở xa quê hương Singapore là một điều không tưởng.

May mắn sao, hai người bạn Nhật Bản ở Đại học Waseda là những người thân đầu tiên mà tôi có được trong quãng thời gian này. Từ việc tôi dạy các bạn Singlish (tiếng Anh được sử dụng tại Singapore), các bạn dạy tôi tiếng Nhật, chúng tôi dần thân thiết hơn - cùng tham gia chạy marathon quanh Điện Hoàng gia, rồi thì tham gia dã ngoại ở Kawagoe. Năm 2018, tôi thi đậu kỳ thi Năng lực Nhật ngữ - tất cả đều nhờ vào nguồn động viên tinh thần và hỗ trợ về kiến thức từ các bạn!


Rời Tokyo, tôi đến với Ishikawa trong chương trình Japan Tent - chương trình trao đổi sinh viên quốc tế và gia đình bản địa (host) nơi đây. Gia đình bác người Nhật này lo cho tôi như con cái trong nhà, thậm chí còn đến Tokyo hai lần để thăm tôi, và giữ liên lạc với tôi cho tới tận bây giờ. Cảm giác "kẻ ngoại bang" những ngày đầu của tôi qua đi lúc nào không hay. Có thể gọi một nơi là "nhà" khi ở xa quê hương Singapore là một điều không tưởng. Hiện thực này, tới giờ tôi vẫn chưa tin được vì sao mình lại may mắn có được như vậy.


Điều kì diệu nhất khi học ngoại ngữ chính là việc chúng mở cho ta những cánh cửa mà ta đôi khi không hề hay biết:

ý thức hệ mới, mối quan hệ mới, và cách nhìn nhận mới về bản thân mình.

Và bạn biết không? Có ngoại ngữ, bốn biển là nhà.


Tác giả:

Josephine Lee

Cử nhân khoa học xã hội (giáo dục khai phóng), ĐH Quốc gia Singapore

Thạc sĩ Quan hệ Quốc tế, ĐH Waseda, Nhật Bản

Học giả Chính phủ Nhật Bản (MEXT)

Từng làm tại Uỷ ban Kinh tế & Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Liên Hiệp Quốc)

Hiện đang công tác tại Ủy ban Điều phối An ninh Quốc gia Singapore


 

Kết:

  • Tinh thần tự học luôn là kim chỉ nam trong môi trường giáo dục khai phóng.

  • Học ngoại ngữ là một phần bắt buộc trong các chương trình học theo mô hình giáo dục khai phóng. Kỹ năng học ngoại ngữ thu được từ một ngoại ngữ hoàn toàn có thể áp dụng khi học một ngoại ngữ mới.

  • Có thể "mất" một chút thời gian để tự học, nhưng lại "được" cả một "gia tài" về vốn ngoại ngữ, khả năng tự học, và những mối quan hệ với bạn bè quốc tế.


1 view0 comments
bottom of page