top of page
trungnguyen9

Những điều cơ bản về trí tuệ cảm xúc (Emotional intelligence)


Bạn có bao giờ gắn cảm xúc của mình với những gam màu chưa?

Bạn đã bao giờ bắt gặp bản thân mình tìm kiếm những nơi chốn/ đồ vật khi đang trong một tâm trạng nhất định? Những nơi đó/đồ vật đó có cùng gam màu chủ đạo nào không?

Những lúc đấy, bạn có sẵn sàng đối diện và gọi tên những cảm xúc của mình? Xa hơn một chút, bạn sẽ làm chủ được chúng?


Hiểu rõ và làm chủ được cảm xúc của bản thân là một phần của trí tuệ cảm xúc - bên cạnh khả năng thấu cảm xúc cảm của những người xung quanh. Thú vị là, mỗi cảm xúc đều có thể được khơi gợi bởi một hoặc một vài màu sắc nhất định - tùy thuộc vào thế giới quan của mỗi người.


Bài viết dưới đây được dịch và biên tập từ CharacterLab, bài viết Emotional Intelligence 101 - A beginner's guide to feelings (tạm dịch: Trí tuệ cảm xúc cơ bản - Hướng dẫn cho người mới bắt đầu).

 

Với một số người, sẽ có những ngày thật dài. Dài tới mức những điều đẹp đẽ trong ngày cũng không giúp họ lên tinh thần được. Những ngày như vậy, họ vô thức cảm thấy màu xanh lá - đại diện của năng lượng còn sót lại, dù ít nhưng vẫn có phần tích cực.


Dĩ nhiên, cảm thụ về tương quan giữa màu sắc và cảm xúc có thể rất khác nhau giữa các cộng đồng và nền văn hóa, nhưng đại ý ở đây là: mỗi chúng ta đều có ít nhất 01 màu gắn chặt với một (nhóm) cảm xúc nhất định.


Trung tâm Trí tuệ cảm xúc thuộc Đại học Yale (Hoa Kỳ) đã xây dựng Biểu đồ Tâm trạng, có thể tóm gọn là: cảm xúc của con người có thể được chia làm 04 nhóm chủ đạo, dựa trên 02 yếu tố cơ bản: năng lượng (cao hay thấp), và mức độ tích cực/tiêu cực (hình minh họa bên dưới).




Theo biểu đồ này, một ngày của một người có thể có một hoặc nhiều màu cảm xúc. Ví dụ, ta có thể bắt đầu ngày mới bằng một màu vàng: tràn đầy năng lượng tích cực. Sau ly cà phê sáng, ta cảm thấy sẵn sàng và háo hức với mọi dự định trong ngày, nhưng qua một vài trục trặc, thì gam màu cuối ngày lại tràn trề sự tiêu cực.


Nhưng liệu rồi, bốn nhóm cảm xúc cơ bản trong Biểu đồ Tâm trạng có bao quát được mọi cảm xúc mà một người sẽ trải qua trong đời, hay thậm chí chỉ trong một ngày?

- Khi thấy hài lòng, hay khi thấy bình thản, màu cảm xúc đều là xanh lá cây.

- Khi thấy giận dữ, và khi hoảng sợ, màu đỏ sẽ đại diện cho cả hai cảm xúc này - năng lượng tiêu cực cứ chực trào ra.

Hai cặp cảm xúc trên, về cơ bản, chưa chắc đã giống nhau. Vậy nên, câu trả lời cho câu hỏi trên là “Không”.


Tuy nhiên, nếu mới chỉ làm quen với thế giới muôn hình vạn trạng và phức tạp của trí tuệ cảm xúc, thì việc sử dụng 2 yếu tố cơ bản trên để xác định cảm xúc của bản thân trong các thời điểm khác nhau có lẽ là một khởi đầu tốt.


Trên biểu đồ của trí tuệ cảm xúc, ta đang ở đâu? Hay cụ thể hơn, câu nhận định nào dưới đây đúng với bạn nhất ở thời điểm hiện tại? Và, bạn muốn bản thân hoàn thiện hơn ở câu nào?

  • Tôi nhận thấy được mình đang cảm thấy ra sao, và tôi suy ngẫm về nguyên nhân dẫn đến cảm xúc đó.

  • Tôi phải dựa vào biểu cảm trên gương mặt và ngôn ngữ cơ thể của người khác để biết được họ đang cảm thấy như thế nào.

  • Nhìn chung thì tôi hiểu được những cảm xúc của tôi do đâu mà diễn ra.

  • Tôi có thể diễn tả cảm xúc của mình bằng một vốn từ rất rộng.

  • Tôi cảm thấy thoải mái khi bộc lộ cảm xúc của bản thân, bất kể cảm xúc đó có dễ chịu hay không.

  • Tôi có rất nhiều cách để xử lý cảm xúc của bản thân.




Năm học mới lại đến. Học sinh, sinh viên khắp nơi lại sắp quay về guồng quay học thuật và thi cử mà lại quên dành thời gian cho một thứ quan trọng không kém: trí tuệ cảm xúc.


Một ngày học, rồi thì một tuần học trôi qua, bao nhiêu giờ học sẽ được sử dụng để rèn luyện trí tuệ cảm xúc cho học sinh?


Không một giờ nào cả.


Với tôi, đó là một điều đáng tiếc. Không ai vừa sinh ra đã có thể hiểu hết cảm xúc của bản thân. Và cũng không ai vừa sinh ra đã biết cách xử lýkiểm soát cảm xúc của bản thân một cách khôn ngoan nhất.


Không ai cả.


- - - - - - - - - - - - - - - -


Và đến đây, liệu ta có nên dừng lại, suy ngẫm, và tự vấn 2 điều: cuộc đời ta, bao nhiêu lần ta bị nhấn chìm trong mê trận cảm xúc mà ta vẫn mô tả là “không biết phải tả làm sao”? Cuộc đời ta, bao nhiêu lần ta ước gì mình biết phải làm gì với những cảm xúc mà mình đang có?


- - - - - - - - - - - - - - - -


KẾT


Trí tuệ cảm xúc - hay việc hiểu rõ và quản lý cảm xúc của chính mình - thường bị xem nhẹ cho đến khi thứ chúng ta đánh mất kiểm soát lại chính là cảm xúc của bản thân. Do đó, trí tuệ càng cần phải được rèn luyện, thực hành, và cải thiện hơn bao giờ hết, và không bao giờ là quá sớm để bắt đầu quá trình luyện tập này.


Dưới áp lực xã hội, rất nhiều cảm xúc thật của chính chúng ta đã bị chối bỏ, hoặc khước từ, hoặc bóp méo đi. Ta đã sẵn sàng để gọi tên cảm xúc của chính mình, ví dụ qua những gam màu?



Dành cho các Cha Mẹ:

  • Hãy THỬ học về trí tuệ cảm xúc - vì lợi ích của ta, và vì những hình mẫu yêu thương bản thân mà ta có thể tạo ra cho các con mình.

  • Hãy bắt đầu bằng sự chân thật với chính ta và trước Con về những gì mà ta đang cảm thấy.


Dành cho các Nhà làm Giáo dục:

Hãy THỬ chương trình học RULER (tạm dịch: Thước đo) của Đại học Yale. Chương trình này được thiết kế để hỗ trợ học sinh ở mọi lứa tuổi nhận ra được, hiểu được, gọi tên được, thể hiện được, và điều khiển được cảm xúc của các con.


Suy cho cùng, tất cả chúng ta - dù có là những “nhà thông thái” hay chỉ mới chập chững trên con đường hiểu rõ bản thân - đều cần phải học rất nhiều về trí tuệ xúc cảm.




2 views0 comments

Comments


bottom of page