top of page

Chuyện của cô giáo cắm bản


“Anh chị em giáo viên mỗi người một quê, lên đây cắm bản từ thuở bản không có đường, không sóng điện thoại, không trạm y tế... Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Ngày đó, chúng tôi được dân bản cưu mang, cho gạo, cho gà về nuôi để lấy thức ăn. Có thức ăn ngon là họ nhường thầy, cô ăn để có sức dạy học. Ân nghĩa đó khó mà đo đếm được”.


Cùng IEG Foundation đọc chia sẻ của Cô Cà Thị Xoan, giáo viên điểm trường Huổi Dên, Pú Hồng, Điện Biên. Năm 2019, Đội ngũ có cơ duyên được tái xây dựng điểm trường, để rồi từ đó được chạm đến câu chuyện của cô Xoan.

 

Cô Cà Thị Xoan – giáo viên chủ nhiệm lớp mẫu giáo ghép Huổi Dên đã quá quen thuộc với từng ngóc ngách, từng nóc nhà của điểm bản Huổi Dên, Điện Biên. Bởi cô công tác được 13 năm, trong đó cô cắm tại bản Huổi Dên 7 năm liên tục. Có lẽ vì vậy mà cách giao tiếp, sinh hoạt của cô chẳng khác người bản địa là mấy.



Cô bảo:

Một khi dân bản hiểu mình thì chuyện học hành của con em họ sẽ dễ dàng hơn. Niềm tin của người dân bản đối với giáo viên sẽ quyết định việc họ có đưa con em tới trường hay không.

Vất vả là khi...


Theo lời của cô Xoan, trước đây, nhận thức về sự học của một số gia đình nơi đây còn hạn chế, vui thì cho con đến trường, buồn thì nghỉ ngay. Vì thế, dù là học sinh Tiểu học hay Trung học Cơ sở, thầy, cô luôn phải dỗ dành. Đặc biệt đối với trẻ mầm non, cha mẹ còn chưa quan tâm đến việc học tập của các cháu. Chỉ nặng lời trách phạt là ngày mai các em có thể nghỉ học tức khắc.