top of page

Làm thế nào để kết nối với các con?

Trong thế giới hiện đại, việc có được những tình bạn chân thành và ý nghĩa đang ngày càng trở nên khó khăn với bất kì độ tuổi nào. Theo một nghiên cứu ở Mỹ, trong giai đoạn 2009 - 2021, tỉ lệ học sinh trung học thường xuyên cảm thấy vô vọng và buồn bã đã tăng từ 26% lên 44%. Điều này khiến việc xây dựng và nuôi dưỡng một mối quan hệ chất lượng với các con trở thành một thử thách lớn với các thầy cô. Một mối quan hệ lành mạnh với học trò không chỉ tạo ảnh hưởng tích cực lên thành tích học tập của các con, mà còn giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của chúng thông qua việc gắn kết tinh thần cộng đồng và cho các con cảm giác thuộc về. Bài viết này chia sẻ một số phương pháp giúp các thầy cô tạo dựng những mối quan hệ sâu sắc và có ý nghĩa với học trò của mình.




XÂY DỰNG SỰ GẦN GŨI (PROXIMITY)


Xây dựng một mối quan hệ chất lượng là điều cần không ít thời gian. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong 6 tuần đầu tiên, chúng ta cần dành từ 40 tới 50 giờ đồng hồ cùng đối phương để phát triển được một tình bạn cơ bản ở mức xã giao. Đối với người lớn, quá trình này thường diễn ra khi họ cùng nhau thực hiện một hoạt động nào đó, ví dụ như chơi trò chơi điện tử hoặc tham gia một môn thể thao chẳng hạn. Bên cạnh đó, tình bạn giữa giáo viên và học sinh cũng yêu cầu cả hai bên vạch ra những giới hạn cụ thể và rõ ràng và cùng thống nhất tuân theo những giới hạn đó. Ví dụ, một số người sử dụng mạng xã hội để kết nối hoặc duy trì những mối quan hệ gần gũi hoặc mang nặng tính chất cá nhân. Do đó, hình thức này sẽ không thực sự phù hợp với sự phát triển một mối quan hệ giữa thầy cô và các con. 



Xây dựng một mối quan hệ với các con là quá trình dục tốc bất đạt. Nghiên cứu cho thấy, khoảng thời gian từ 40-50 tiếng đồng hồ sẽ tương đương với khoảng từ ba tới bốn tuần tương tác với học sinh thông qua một số hoạt động như làm quen và sử dụng tên gọi của các con trong lớp hay thể hiện lòng trắc ẩn và tử tế trong giao tiếp hàng ngày. Đồng thời, mỗi học trò đều sở hữu một tính cách riêng biệt. Một số con có thể nhanh chóng thích nghi và cảm thấy thoải mái hơn với thầy cô so với các bạn khác, nên việc thực hành sự kiên nhẫn là điều cực kỳ quan trọng trong quá trình này.


HỎI XIN SỰ TRỢ GIÚP (ASKING FOR HELP)



Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, việc nhờ người khác giúp đỡ là một cách tuyệt vời để trở thành bạn bè với một ai đó. Ví dụ, hỏi người khác cho mình mượn đồ hoặc nhờ họ tưới cây hộ mình có thể là khởi nguồn của một tình bạn sâu sắc. Lời giải thích là điều này sẽ cho thấy một phần khía cạnh yếu đuối của người đưa ra yêu cầu giúp đỡ, đồng thời thể hiện niềm tin tưởng của họ ở đối phương.


Trong lớp, thầy cô có thể nhờ cậy bắt đầu từ những nhiệm vụ nhỏ tới những công việc quan trọng hơn để xây dựng lòng tin tưởng từ các con. Ví dụ, thầy cô có thể bày tỏ rằng “Thầy/Cô cần con giúp điều này”, rồi nhờ các con thực hiện một số công việc như mang các vật dụng trong lớp tới phòng giáo vụ, hoặc tạo sẵn một lượt chơi Kahoot cho bài ôn tập sắp tới. Những tình huống này giúp thầy cô và các con kết nối một cách nhanh chóng, đồng thời giúp các con cảm thấy tự hào khi chứng kiến những hành động của mình được ghi nhận và mang lại ý nghĩa cho người khác. Theo thời gian, sự tự tin của con cũng sẽ được hình thành. Sự tự tin chính là nền tảng giúp con thoải mái thể hiện ý kiến cá nhân và nêu quan điểm của mình trong lớp.


KHƠI GỢI KÝ ỨC (CALLBACKS)


Sự khơi gợi ký ức (callback) là việc ta nhắc lại một tình huống, khoảnh khắc, trải nghiệm, con người hoặc nơi chốn có ý nghĩa trong một mối quan hệ. Ví dụ, nếu hai người cùng học đại học ở một nơi và được dạy bởi cùng một vị giáo sư, cả hai có thể cùng bàn luận về những nét đặc biệt khi đứng lớp của người giáo sư đó như một sự hồi tưởng. Những trải nghiệm chung này thường đi kèm với các cảm xúc khác nhau, trong đó có thể kể đến sự hài hước, bồi hồi hay cảm giác thuộc về tập thể, … 


Để áp dụng điều này, thầy cô hãy thử gợi lại một trải nghiệm chung giữa mình và các con. Điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn sau khi năm học đã bắt đầu được một thời gian và giữa thầy cô và các con cũng đã có một lượng tương tác nhất định.


Ví dụ: thầy cô vô tình khởi động chuông báo cháy vì đã vô tình hâm nóng quá mức thức ăn của mình và phải gọi cứu hỏa để giải quyết sự cố. Điều này có thể trở thành một kỷ niệm đặc biệt khi thầy cô và các con cùng đứng chờ và nói chuyện trong lúc đang chờ xe cứu hỏa. Việc gợi nhắc tới bất kỳ một kỷ niệm đáng mến nào, ví dụ như về vị khách mời diễn thuyết, một hoạt động ngoại khóa, chuyến dã ngoại, hay một sự kiện xảy ra ở trường cũng đều có thể cải thiện mối quan hệ giữa thầy cô và các con. Gợi lại ký ức theo cách này giúp các con hình thành những ấn tượng tốt đẹp hơn với bạn bè và thầy cô. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để mỗi cá nhân ghi lại những dấu ấn tích cực trong ký ức của tất cả mọi người.


THỂ HIỆN SỰ CHÂN THẬT (AUTHENTICITY)


Sự chân thật là yếu tố rất cần thiết để xây dựng bất kì một mối quan hệ nào. Việc tạo ra một vỏ bọc tính cách hay biến thành một người mà chính bản thân cũng không thoải mái thể hiện chỉ tạo thêm bức tường ngăn cách giữa mọi người. Trong trường hợp này, điều đó sẽ chỉ khiến thầy cô và các con càng thêm xa cách. 


Vì vậy, thầy cô đừng ngần ngại chia sẻ về bản thân mình để tăng sự kết nối với các con. Có lẽ các học trò cũng rất mong muốn được hiểu thêm về thầy cô đó. Vào giờ nghỉ hoặc những lúc rảnh rỗi, thầy cô hoàn toàn có thể chia sẻ về sở thích cá nhân, những cuốn sách đang đọc, hoặc thể loại âm nhạc thầy cô yêu thích. Ngoài việc chia sẻ về bản thân mình, thầy cô có thể hỏi thăm về cuộc sống của các con nữa.


Những mối quan hệ tích cực được tạo nên bởi sự chân thành sẽ không chỉ cải thiện kết quả học tập của các con mà còn giúp đẩy lùi cảm giác cô đơn và buồn bã. Tuy nhiên, thầy cô cũng đừng phiền lòng một số học sinh vẫn chưa thể cảm thấy gần gũi hơn với mình. Thậm chí, một số con có thể không thích việc học và cũng không muốn trở nên thân hơn với các giáo viên đứng lớp. Điều này là hoàn toàn bình thường. Việc thầy cô và các con luôn đối xử với nhau bằng sự tử tế và tôn trọng cũng đã đủ để làm nên những mối quan hệ có ý nghĩa. 


* Biên dịch: Đội ngũ IEG Foundation



9 views0 comments
bottom of page