Với vai trò nhà giáo, chắc hẳn thầy cô đã từng áp dụng rất nhiều phương pháp để cải thiện môi trường lớp học của mình như trồng cây và hoa bên bậu cửa sổ, trưng bày tranh ảnh và các câu danh ngôn truyền cảm hứng,... Tuy nhiên, những phương pháp này có lẽ còn nhiều giới hạn về mức độ ảnh hưởng thực sự lên học sinh nói riêng và môi trường học tập nói chung.
Qua chuỗi bài về “Lòng biết ơn” trong tháng này, các thầy cô hãy cùng IEG Foundation khám phá sâu hơn về cách thầy cô và các con có thể thực hành các bài tập về lòng biết ơn để thay đổi môi trường học tập.
Nhật ký biết ơn
Để cả lớp cùng bắt đầu thực hành lòng biết ơn, thầy cô có thể viết nhật ký biết ơn của riêng mình trong vài tuần và cảm nhận tầm ảnh hưởng của nó. Sau đó, giáo viên sẽ chia sẻ mẫu nhật ký của mình và bắt đầu cho học sinh áp dụng bài tập này.
Nhà giáo có thể bắt đầu nhật ký biết ơn của mình bằng việc viết về những điều rất nhỏ, giản dị trong cuộc sống như biết ơn vì được sống, vì có thức ăn để ăn và quần áo để mặc.
Ngày qua ngày, học sinh sẽ tích lũy lời cảm ơn của mình chỉ từ việc sử dụng một cuốn vở và một cây bút, bắt đầu mỗi ngày bằng cách viết 5 lời cảm ơn. Đến cuối năm, mỗi con học sinh có gần 1.000 lời tri ân. Giáo viên có thể bắt đầu bằng việc cho học sinh tham khảo mẫu sau:
Con biết ơn vì ___________________________.
Con biết ơn vì ___________________________.
Con biết ơn vì ___________________________.
Mỗi tuần một lần, giáo viên sẽ cùng các con đi vòng quanh lớp và chia sẻ lòng biết ơn của mình với các bạn cùng lớp. Qua đó, nhà giáo không chỉ có cơ hội chạm tới những góc nhìn đầy độc đáo, cá tính của từng học sinh mà còn hiểu thêm về những điều đang diễn ra trong cuộc sống của học sinh mình. Điều này giúp xây dựng văn hóa tích cực trong lớp học. Ngoài ra, thầy cô hãy động viên học sinh thử nói đến những thứ mình trân trọng một cách cụ thể hơn. Ví dụ, thay vì viết: “Con biết ơn vì bữa trưa”, thầy cô hãy khuyến khích các con viết: “Con biết ơn vì cà chua và rau diếp trong món salad của con cũng như vì ly sữa ngọt ngào, mát lạnh con tận hưởng cùng bạn bè” hoặc “Con biết ơn ơn vì bữa trưa bổ dưỡng được chuẩn bị bằng bàn tay tràn đầy yêu thương.”
Luyện tập “cơ bắp biết ơn”
“Cơ bắp biết ơn” dường như hoạt động giống như cơ bắp trong cơ thể chúng ta, và việc lặp lại bài tập viết nhật ký biết ơn sẽ giúp phát triển “nhóm cơ” này. Theo Giáo sư Philip Watkins của Đại học Đông Washington, những người chẳng mấy khi thể hiện lòng biết ơn dường như thấy nhiều hiệu quả nhất từ những nỗ lực luyện tập này. Đây có thể là nguồn động lực lớn cho bất kì ai trong chúng ta cảm thấy khó khăn khi bắt đầu viết nhật ký biết ơn.
Đôi khi, giáo viên có thể đưa ra các “bài tập cơ bắp” thách thức hơn đối với học sinh bằng cách hỏi liệu các con có thể biết ơn bài tập về nhà hoặc việc nhà không. Thử thách này giúp các con thấy được lợi ích của bài tập về nhà—rằng những công việc này giúp các con học tập và chuẩn bị tốt hơn cho trường học và trong cuộc sống. Trong bài viết “Hoạt động biết ơn trong lớp học”, tác giả Vicki Zakrzewski đến từ Trung tâm Khoa học Greater Good đã liệt kê thêm nhiều hoạt động biết ơn khác mà thầy cô có thể thử trong lớp học của mình. Một số hoạt động đã được nhắc đến như “Thư Biết ơn dành cho Cộng đồng”, “Giấy Ghi chú Cảm ơn Bất ngờ”, “Bảng Biết ơn”.
Trong tháng này, thầy cô có thể bắt đầu một hoạt động mới trong lớp học của mình là viết những lời biết ơn vào những tờ giấy nhớ và dán chúng lên 1 chiếc bảng gắn ở cửa lớp. Bằng cách này, học sinh và chính các thầy cô sẽ nhận được một lời nhắc nhở tích cực mỗi khi ra vào lớp học . Nhà giáo cũng có thể khuyến khích các con mang ý tưởng này về nhà và dán những tờ giấy nhớ biết ơn quanh nhà, nhắc nhở các con trân trọng cuộc sống mọi lúc có thể.
Hiệu quả rõ rệt
Nghiên cứu gần đây của Tiến sĩ Robert Emmons và Tiến sĩ Jeffrey Froh, hai nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực giáo dục và lòng biết ơn, đã củng cố ý tưởng rằng lòng biết ơn thực sự có thể cải thiện cuộc sống của học sinh - sinh viên và ngay cả những người trưởng thành.
Việc duy trì thói quen viết nhật ký biết ơn hàng ngày đã được chứng minh giúp học sinh đạt được kết quả cao hơn, đặt ra những mục tiêu cao hơn, cảm thấy hài lòng hơn với các mối quan hệ, cuộc sống và việc học, và tạo thêm động lực. Hơn nữa, điều này cũng góp phần tạo ra sự lạc quan, hài lòng và trân trọng cuộc sống hơn ở cả học sinh và người trưởng thành, khuyến khích việc tập thể dục thường xuyên, từ đó giảm thiểu sự ghen tị và trầm cảm cũng như cải thiện vấn đề sức khỏe và giấc ngủ.
Khai thác Tiềm năng
Tiến sĩ Kerry Howells, nhà nghiên cứu về lòng biết ơn và giáo dục hàng đầu, thường tổ chức những buổi hội thảo về tầm quan trọng và tính ứng dụng của lòng biết ơn trong môi trường học đường. Các nhà giáo có thể xem bài diễn thuyết “Lời cảm ơn đã đánh thức tư duy của chúng ta như thế nào?” của bà để được truyền cảm hứng về lòng biết ơn và tìm hiểu thêm về những ví dụ và minh chứng cho tầm ảnh hưởng của lòng biết ơn trong giáo dục.
Biên dịch: IEG Foundation
Bài viết gốc: Edutopia - Gratitude: A Powerful Tool for Your Classroom (tạm dịch: Lòng biết ơn: Công cụ mạnh mẽ cho lớp học)
Bài viết tham khảo
Greater Good Berkeley - Gratitude Activities for the Classroom (tạm dịch: Hoạt động biết ơn trong lớp học)
TEDx Talks - How thanking awakens our thinking: Kerry Howells at TEDx Launceston (tạm dịch: Lời cảm ơn đã đánh thức tư duy của chúng ta như thế nào: Kerry Howells tại TEDx Launceston)
Comments